Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý quy hoạch-kiến trúc tại vùng nông thôn Hà Nội: Còn lúng túng, bất cập

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa nhanh đang có những tác động không nhỏ tới diện mạo kiến trúc, không gian cảnh quan tại vùng nông thôn các huyện của Hà Nội.

Trong khi đó, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại khu vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần sớm có những giải pháp để kiểm soát tốt việc xây dựng mới, chỉnh trang cảnh quan và định hướng kiến trúc trong xây dựng, hướng đến phát triển bền vững.

Làng cổ Cự Đà. Ảnh: Lê Bích
Làng cổ Cự Đà. Ảnh: Lê Bích

Nhiều làng, xã trở thành “phố làng”

Theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định dành 30% diện tích đất để phát triển đô thị, còn tới 70% diện tích hành lang xanh là khu vực nông thôn. Nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với kinh tế phát triển, khu vực nông thôn đang đối diện với thực trạng nhiều làng, xã trở thành “phố làng”, cấu trúc không gian bị thay đổi nhanh chóng và không có khả năng kiểm soát.

Có thể điểm qua một vài ngôi làng xưa có vẻ đẹp với lối kiến trúc của những căn nhà mái ngói truyền thống nhưng nay đã bị thay thế bởi hình thái kiến trúc nhà nhiều tầng, dẫn đến sự chắp vá và giảm chất lượng về không gian cảnh quan như: Làng Đông La (huyện Hoài Đức), làng Cự Đà (huyện Thanh Oai)…

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, nguyên nhân của tình trạng này một phần do những bất cập, chồng chéo trong các quy định pháp luật gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch. Cụ thể, theo Luật Xây dựng 2013, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thuộc đối tượng miễn phép xây dựng, trong khi trên địa bàn các huyện thuộc khu vực đô thị trung tâm (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô) đã cơ bản được phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, dẫn đến chính quyền cơ sở rất khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng.

“Nếu không quản lý trật tự xây dựng sẽ dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để lại hậu quả rất lớn sau này, nhưng quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng sẽ không phù hợp với luật định” – ông Lưu Quang Huy nêu.

Đáng chú ý, tốc độ đô thị hóa của các xã nông thôn tại khu vực những huyện chuẩn bị lên quận gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng diễn ra rất nhanh, với hàng trăm dự án, nhưng đến nay một số đồ án quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn chưa được phê duyệt hết, cho nên việc cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ giới đường đỏ để thực hiện dự án gặp khó khăn.

Bên cạnh đó lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại khu vực nông thôn còn mỏng, chưa kiểm soát hết tình hình, dẫn đến nhiều hộ dân xây dựng sai quy hoạch, xây dựng vượt số tầng quy định. Cấu trúc làng xã và hình ảnh kiến trúc truyền thống vùng nông thôn ngày càng bị phá vỡ, mai một dần. Bên cạnh đó, đối với các huyện này hiện cũng chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn.

Vì vậy tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp xây dựng không có khoảng lùi, hoặc chia nhỏ diện tích đất vườn, ao liền kề để chuyển nhượng, xây dựng công trình làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường.

Bàn về thực tế tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng thừa nhận, việc thiếu các công cụ về quy hoạch, quy chế, quy định quản lý về không gian kiến trúc cảnh quan cùng với sự phát triển về kinh tế đã khiến bộ mặt nông thôn thời gian qua có những biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng “đô thị hóa” một cách tùy tiện.

Công tác quy hoạch mới chỉ nặng về xác định các chỉ tiêu trong khi rất thiếu những hướng dẫn, quy định về kiến trúc. Điều này dẫn đến trong quá trình đô thị hóa, kiến trúc công trình phát triển tự phát, lai tạp, mất dần bản sắc địa phương, vùng miền, phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống, phá hủy nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể…

Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê

Sớm có giải pháp kiểm soát

Đô thị hóa là quá trình tất yếu tại các vùng ngoại ô Hà Nội, quá trình này làm thay đổi cấu trúc không gian, cảnh quan tại vùng nông thôn của TP là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc sớm đánh giá đúng thực trạng, dự báo trước sự phát triển để đưa ra những giải pháp quy hoạch và định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội là hết sức cấp thiết.

Theo GS.TS.KTS Đỗ Hậu – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các huyện của Hà Nội bao gồm nhiều thị trấn, xã, thôn có những đặc trưng về điều kiện tự nhiên, cơ cấu sản xuất, hoạt động sản xuất nông nghiệp, không gian kiến trúc cảnh quan khác nhau. Do vậy, để làm tốt công tác quản lý kiến trúc, cảnh quan cần được xem xét cụ thể từng huyện, từng khu vực để có những quy định quản lý cho phù hợp.

Về lĩnh vực quy hoạch, để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy đưa ra đề xuất, UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với những quy định mới, phù hợp tình hình thực tế, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch còn thiếu. Các quy hoạch được lập phải có tầm nhìn, phải dự báo được xu hướng phát triển, có tính liên kết vùng và khớp nối đồng bộ với các loại hình quy hoạch khác.

Đối với các huyện nằm trong định hướng phát triển thành đô thị, khi triển khai lập quy hoạch tại các xã cần áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc của đô thị để đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp sau này. Bên cạnh đó, ngoài việc tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, cần tăng cường lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Đây là cơ sở quan trọng để quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định.

Dưới góc độ địa phương, ông Lê Hải Đăng kiến nghị, các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, bổ sung các công cụ còn thiếu phục vụ quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan (gồm quy định của pháp luật, quy chế quản lý kiến trúc cho huyện, xã, khu vực đặc thù), nhất là đối với nhà ở riêng lẻ nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo sự đồng bộ về kiến trúc cảnh quan khu vực làng xóm cũ. Đồng thời tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện thực hiện lập các quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện.

 

Thủ đô Hà Nội có 17 huyện, trong đó có nhiều thị trấn, xã, thôn có những giá trị về kiến trúc cảnh quan, bản sắc văn hóa đặc trưng. Trải qua hàng trăm năm, các thị trấn, làng xã đã kiến tạo nên và lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng về quy hoạch, xây dựng, kiến trúc và cảnh quan rất đa dạng, phong phú, có ý nghĩa về lịch sử, nghệ thuật và nhân văn, trong đó giá trị về kiến trúc cảnh quan có ý nghĩa hết sức quan trọng. Giá trị kiến trúc cảnh quan truyền thống này cần được gìn giữ và phát huy để góp phần phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đời sống dân cư nói riêng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu