Trước thực trạng này đòi hỏi cần sớm có giải pháp định hướng quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển khu vực nông thôn của TP trong thời gian tới.
Nhiều bất cập trong quản lý
Theo Sở QH& KT Hà Nội, kể từ năm 2011 cho đến nay, đối với khu vực nông thôn của Hà Nội có khoảng 104 quy hoạch liên quan do Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt; 25 quy hoạch liên quan do TP phê duyệt. Trong số 25 quy hoạch liên quan đến khu vực nông thôn đã được TP phê duyệt, có 14 quy hoạch chung huyện, thị xã và quy hoạch chung 11 thị trấn trên địa bàn. Còn quy hoạch huyện Gia Lâm đang nghiên cứu cùng với việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô khu vực phía Bắc sông Hồng.
Riêng 3 huyện Ðông Anh, Thanh Trì và Hoài Ðức có phần lớn diện tích thuộc khu vực định hướng phát triển đô thị thành quận nên không triển khai lập quy hoạch chung xây dựng huyện. Các quy hoạch xây dựng này đều xác định khá cụ thể về tổ chức không gian khu chức năng để phục vụ yêu cầu quản lý, thế nhưng thực tiễn công tác quản lý quy hoạch, xây dựng khu vực nông thôn Hà Nội thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, từ năm 2008 – 2012, toàn bộ 401 xã trên địa bàn TP đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Tuy nhiên quy hoạch các xã được thực hiện trước khi quy hoạch chung xây dựng các huyện được lập và phê duyệt dẫn đến không ít bất cập như định hướng quy hoạch phát triển không gian xã nông thôn mới chưa dự báo được quy mô phát triển dân số; hạ tầng kỹ thuật khung của nhiều xã chưa khớp nối đồng bộ; quy hoạch các xã trong từng huyện thiếu tính liên kết vùng, kết nối đồng bộ hạ tầng.
Đáng chú ý, đối với khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, đã được phê duyệt đề án phát triển thành quận như các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Ðức và Đan Phượng nhưng lại chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng tại khu vực nông thôn.
Vì thế, xuất hiện tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn, xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp. Nhiều công trình xây dựng không có khoảng lùi hoặc chia nhỏ diện tích đất vườn, ao liền kề để chuyển nhượng, xây dựng công trình làm gia tăng áp lực dân số, hạ tầng và môi trường. Cấu trúc làng xã và hình ảnh kiến trúc truyền thống nông thôn ngày càng bị phá vỡ, mai một dần.
Anh Nguyễn Văn Thanh, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho biết, bộ mặt xã hiện không khác một phường trong khu vực nội đô với nhà cửa san sát, hàng quán đông đúc, sầm uất, được ví như “phố trong làng”. Do nằm gần với rất nhiều các trường đại học, bệnh viện… nhu cầu thuê nhà trọ cao, nên khoảng 5 năm gần đây người dân làng Triều Khúc đua nhau làm nhà cao tầng và tận dụng mọi khoảng vườn, góc sân, khu đất trống để đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê dẫn đến tình trạng quá tải về dân số. Các công trình nhà ở riêng lẻ do người dân tự tổ chức thiết kế, xây dựng lộn xộn. Ðường giao thông trong làng vốn đã nhỏ hẹp, nay càng chật chội hơn.
Xây dựng khung hướng dẫn cụ thể
Rõ ràng, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan khu vực nông thôn, nhất là đối với những huyện đã được phê duyệt đề án phát triển thành quận hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, để triển khai hiệu quả trong công tác quản lý đồng thời tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng TP Hà Nội cần ưu tiên thực hiện ngay một số giải pháp.
Trong đó, ông Lưu Quang Huy đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương sớm hoàn thành việc tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn còn thiếu. Bên cạnh đó, tăng cường lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, làm cơ sở quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định.
Đặc biệt, TP cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch; quan tâm đến chất lượng tư vấn lập quy hoạch; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đô thị ở khu vực nông thôn bằng việc thường xuyên phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về xây dựng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý xây dựng trên địa bàn TP, trọng tâm là ở cấp huyện, cấp xã.
Cùng đó thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế tối đa việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, nhằm từng bước cải thiện hiệu quả công tác quản lý đô thị, nông thôn.
Về những nội dung cụ thể, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh đề xuất, TP cần xây dựng các hướng dẫn quy trình thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; cắm mốc giới quy hoạch. Hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc khi triển khai lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung các xã; quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn khu vực ngoài đô thị; các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết chế văn hóa, công trình an ninh quốc phòng phải bổ sung, điều chỉnh so với quy hoạch phân khu; các quy định hiện hành còn có những chồng chéo, vướng mắc, bất cập được phát hiện trong quá trình tổ chức thực hiện như quy định về nhà ở xã hội, dự án đầu tư xây dựng…
Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Triệu Đình Hiệp chia sẻ, trước sự phát triển đô thị hóa nhanh đặt ra yêu cầu rất cao và không ít khó khăn đối với công tác quản lý đô thị hiện nay. Để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn các huyện ven đô như Thanh Trì, TP cần sớm xây dựng khung hướng dẫn các yêu cầu cơ bản về quản lý quy hoạch, xây dựng. Trong đó, quy hoạch xây dựng cần phải bảo đảm tính bền vững, tương thích với quy hoạch tổng thể của TP, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc cảnh quan của khu vực đó.
Bên cạnh đó, thiết lập các quy trình quản lý quy hoạch xây dựng, bao gồm thẩm định, phê duyệt, giám sát, để bảo đảm tính chính xác và hiệu quả của quy hoạch. Hướng dẫn rõ ràng những điều kiện và thủ tục cần thiết để xây dựng những công trình phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. TP cũng cần tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý trách nhiệm của các chủ đầu tư.
“Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đối với các huyện nói chung và đối với các huyện ven nội thành chuẩn bị thành quận là một trong những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm nhằm hình thành bộ mặt đô thị hiện tại cũng như tương lai, bảo đảm cho đô thị phát triển ổn định, bền vững tạo dựng môi trường sống thuận lợi cho dân cư đô thị” – ông Triệu Đình Hiệp nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai công tác quản lý quy hoạch, xây dựng nói chung và quy hoạch, xây dựng khu vực nông thôn nói riêng của Hà Nội thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, hệ thống các văn bản quy định về quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng cả khu vực đô thị và nông thôn của TP còn thiếu, một số quy định chưa kịp thời điều chỉnh như quy định về phân cấp lập thẩm định quy hoạch. Quy hoạch nông thôn của Hà Nội có 3 loại là: xã trong nông thôn, xã trong đô thị và xã một nửa nằm trong đô thị, một nửa nằm trong nông thôn nên gây khó khăn, vướng mắc cho các huyện trong quá trình triển khai.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thị Diễm Hằng