Quản lý tháp Eiffel bác tin có hỏa hoạn
Khoảng 1.200 du khách tham quan tháp Eiffel sáng 24/12 (giờ địa phương) phải tiến hành sơ tán khẩn cấp sau khi hệ thống báo cháy tại biểu tượng kiến trúc nổi tiếng này bất ngờ đổ chuông.
Ban đầu, có nguồn tin cho rằng một đám cháy bùng phát tại trục thang máy giữa tầng 1 và tầng 2 của tòa tháp. Nhiều thông tin trên mạng xã hội còn phát thông báo điểm tham quan này phải đóng cửa để lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và khắc phục sự cố.
Cũng theo các thông tin trên, lực lượng cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong việc xác định nguồn cơn vụ hỏa hoạn, nhưng sau đó đã bước đầu phát hiện nguyên nhân là một thiết bị gần đoạn cáp thang máy bị quá tải nhiệt. Thậm chí, một nguồn tin từ cảnh sát cho hay đám cháy đã được khống chế ngay trong buổi trưa cùng ngày.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Công ty điều hành tháp Eiffel (SETE), đơn vị quản lý chính của công trình biểu tượng ở Paris, sau đó đã xác nhận không có vụ cháy nào xảy ra ở tòa tháp, và nguyên nhân thực chất đến từ lỗi hệ thống báo cháy.
"Hệ thống báo cháy bị kích hoạt tùy tiện bởi hiện tượng đoản mạch trên đường ray truyền tải điện của thang máy", người này giải thích, "Sự cố kỹ thuật xảy ra giữa tầng 2 và đỉnh của công trình. Thời điểm hệ thống báo cháy bị kích hoạt là vào lúc 10h50' sáng".
Cũng theo người phát ngôn của SETE, việc sơ tán du khách ra khỏi tháp Effeil được thực hiện theo quy trình an toàn hiện hành, và không có du khách nào gặp nguy hiểm. Các cuộc điều tra tiếp theo sẽ được tiến hành để "xác định nguồn gốc sự cố", và tòa tháp sẽ "dần mở cửa trở lại ngay trong ngày".
Sự cố xảy ra không lâu sau khi Nhà thờ Đức Bà, một công trình nổi tiếng khác ở Paris, vừa mới hoàn thành việc trùng tu và tổ chức thánh lễ đầu tiên kể từ năm 2019, thời điểm nhà thờ bị hủy hoại tương đối nghiêm trọng bởi một vụ hỏa hoạn.
Việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà ở Paris đã tiêu tốn gần 1,2 tỷ USD từ các khoản quyên góp trên toàn cầu.

Kinh tế Pháp lâm nguy do bất ổn chính trị
Kinhtedothi - Bất ổn chính trị đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế cũng như các lĩnh vực khác của nước Pháp.

Bất ổn chính trị Pháp, Đức ảnh hưởng nghiêm trọng châu Âu
Kinhtedothi - Bất ổn chính trị tại Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất EU, có khả năng lan rộng ra toàn bộ Liên minh châu Âu, làm suy yếu tiềm lực và sức mạnh của EU trong bối cảnh khối phải đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị ngày càng phức tạp.

Tân Thủ tướng Pháp Bayrou đối mặt cuộc chiến ngân sách khó như “vượt dãy Himalaya”
Kinhtedothi - Tân Thủ tướng Pháp Francois Bayrou được nhận định sẽ phải ưu tiên cho dự luật ngân sách cho năm 2025, đồng thời tìm ra giải pháp cho những bất đồng trong Quốc hội để tránh bị bỏ phiếu bất tín nhiệm dẫn đến chính phủ sụp đổ.