Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý trật tự đô thị: Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo nhiều quận trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, để lập lại trật tự đô thị không thể trông chờ vào một cá nhân hay một lực lượng nào. Để tạo ra những chuyển biến tích cực, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể...

Bệnh mãn tính
Vừa qua, dư luân xôn xao về việc Phó Chủ tịch UBND Quận 1 (TP Hồ Chí Minh) Đoàn Ngọc Hải nộp đơn xin từ chức do “bất lực” trong việc lập lại trật tự đô thị. 
Mặc dù công tác quản lý trật tự đô thị là một trong những việc làm thường xuyên và liên tục của chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, có thể nói, việc ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND Quận 1, trực tiếp ra đường xử lý vi phạm, tuyên bố sẽ từ chức nếu không dẹp được loạn vỉa hè đã mở màn cho các kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm trên toàn quốc. Và sau một thời gian quyết liệt, công tác quản lý trật tự đô thị tại Quận 1 đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, tình trạng ném đá ao bèo, tái vi phạm vẫn diễn ra phổ biến. Và để thực hiện lời hứa, ông Hải đã có đơn gửi Thành ủy TP Hồ Chí Minh xin từ chức Phó Chủ tịch UBND Quận 1, xin thôi Ủy viên Ban Thường vụ Quận 1, thôi làm Đại biểu HĐND Quận 1.
Công an phường Thành Công nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành các quy định về quản lý vỉa hè trên phố Láng Hạ.
Tại Hà Nội, từ khi Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội triển khai Kế hoạch 01 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện, công tác quản lý trật tự đô thị đã được nâng lên một tầm cao mới. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm rõ rệt.
Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định; Các hộ kinh doanh không còn bày hàng hóa ra hè phố, lòng đường; các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang ATGT, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng phá dỡ đảm bảo đường thông hè thoáng; biển hiệu quảng cáo đồng bộ được treo đặt với kích thước khung bằng nhựa, trật tự xây dựng, VSMT được đảm bảo tạo nên bộ mặt đô thị văn minh trật tự hơn… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại một số nơi, tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng nhiều trường hợp vẫn cố tình vi phạm.
Cần những chế tài hiệu quả
Trở lại với câu chuyện của ông Đoàn Ngọc Hải, người ta dễ dàng nhận ra lý do mà ông gửi đơn xin từ chức là do “bất lực” với tình trạng tái lấn chiếm và những áp lực mà ông Hải và gia đình đã phải chịu trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, điều ông Hải và gia đình đã trải qua cũng là điều mà lãnh đạo các địa phương khác phải trải qua. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo nhiều phường tại Hà Nội chia sẻ, khi làm mạnh, đương nhiên cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Và khi “túi tiền” của người dân, những người đứng sau bị ảnh hưởng, họ sẽ có những phản ứng với các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến công tác lập lại trật tự đô thị luôn phải đối mặt với tình trạng “ném đá ao bèo” chính là việc thiếu các chế tài đủ mạnh.
Công an phường Quán Thánh nhắc nhở các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên phố Trấn Vũ.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một số phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cho biết, trong khi vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè ngày càng diễn biến phức tạp thì chế tài xử lý ngày càng eo hẹp, đặc biệt là việc tái lấn chiếm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo nhiều quận trên địa bàn TP Hà Nội cho rằng, để lập lại trật tự đô thị không thể trông chờ vào một cá nhân hay một lực lượng nào. Để tạo ra những chuyển biến tích cực, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể. Trong đó, trách nhiệm của chính quyền cơ sở chị trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm; Trách nhiệm của các sở, ban, ngành là đưa ra các quy định, chế tài xử phạt đủ mạnh để tạo sức răn đe.
Lãnh đạo một số phường tại quận Đống Đa cho biết, nếu chỉ trông chờ vào việc tuyên truyền, xử phạt hành chính để tạo ra những chuyển biến lâu dài là rất khó. Bởi, tại nhiều nơi, lợi nhuận đem lại từ việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh là rất lớn, trong khi chế tài xử phạt còn quá nhẹ nên nhiều cơ sở sẵn sàng nộp phạt.