Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý trật tự đô thị qua mạng xã hội: Hiệu quả nhiều mặt

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành lập các nhóm, page mở trên mạng xã hội… để tiếp nhận thông tin phản ánh về những hành vi vi phạm và cả nét đẹp trong công tác quản lý trật tự đô thị, từ đó có biện pháp xử lý, duy trì những kết quả đã đạt được là cách hay mà một số quận trên địa bàn Hà Nội đang triển khai.

Đa dạng nguồn tin phản ánh
Để công tác quản lý trật tự đô thị đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững, nếu chỉ trông chờ vào việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng sẽ là không đủ. Bởi, những hành vi vi phạm trật tự đô thị chủ yếu liên quan đến kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình. Do đó, để tránh bị kiểm tra, xử lý, các hộ kinh doanh đã nghĩ ra những chiêu trò, thậm chí bố trí người theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng, kịp thời đưa ra biện pháp đối phó.

Những đóng góp, phản ánh của người dân trên nhóm  ''Vì Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp'''.

Nhận thức rõ những khó khăn đó, ngoài việc xây dựng nhóm trên mạng xã hội Zalo, quận Cầu Giấy đã thành lập nhóm “Vì Cầu Giấy xanh – sạch – đẹp” trên Facebook để tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người dân. Kết quả, sau một thời gian triển khai, nhóm “Vì Cầu Giấy xanh – sạch – đẹp” đã thu hút được hơn 1.300 thành viên và trở thành một kênh thông tin quan trọng trong việc đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn.
Tương tự, tại quận Đống Đa, UBND quận đã thành lập nhóm Ban Chỉ đạo 197 quận Đống Đa trên Zalo, quy tụ tất cả lãnh đạo phường, các lực lượng chức năng quận. Tại đây, chính quyền các phường liên tục cập nhật công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị bằng hình ảnh hàng ngày, hàng giờ. Đặc biệt, đây cũng là nơi các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 197, Phòng Quản lý đô thị… quận Đống Đa cập nhật, gửi những hình ảnh vi phạm trật tự đô thị tại các phường và đề nghị xử lý theo quy định.

"Là một trong những địa bàn rộng, nhiều ngõ ngách, mật độ dân cư đông nên việc kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm trật tự đô thị… không hề đơn giản. Tuy nhiên, thông qua những thông tin phản ánh của người dân trên các nhóm trên mạng xã hội, lực lượng chức năng phường đã kịp thời nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi này." - Chủ tịch UBND phường Mai Dịch Nguyễn Hải Đăng

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một phường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ, ngoài việc cập nhật thông tin xử lý, những hình ảnh mà các lực lượng chức năng quận đi kiểm tra và gửi lên nhóm giống như “phiếu giao việc” của UBND quận đối với từng phường.
Phát huy hiệu quả
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 197 quận Cầu Giấy, trong 6 tháng đầu năm, toàn quận đã xử phạt gần 4.000 trường hợp vi phạm VSMT, đỗ, để phương tiện sai quy định, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh… Trong đó, số vi phạm bị xử lý từ nguồn tin của người dân thông qua mạng xã hội chiếm một lượng lớn.
Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, hiện tại, ngoài nhóm của Ban Chỉ đạo 197 quận Đống Đa, các phòng, ban, UBND phường và tổ chức đoàn thể từ quận đến phường đều có những nhóm riêng để phục vụ cho công tác điều hành, quản lý.
Cũng theo bà Vân Anh, từ khi các nhóm được thành lập, công việc của chính quyền địa phương cũng nhiều lên so với trước đó. “Lực lượng chỉ có vậy, nay công việc nhiều lên ai cũng mệt nhưng vui, bởi đây là việc cần thiết để xây dựng Thủ đô ngày càng xanh – sạch – đẹp” – bà Vân Anh chia sẻ.
Thực tế cho thấy, việc thành lập các nhóm riêng theo từng lĩnh vực để phục vụ công tác điều hành, quản lý, tiếp nhận thông tin phản ánh không chỉ diễn ra ở quận Cầu Giấy hay Đống Đa mà đã và đang được triển khai thực hiện ở nhiều quận, huyện khác.
Sau một thời gian hoạt động, các nhóm này không chỉ phát huy được vai trò của mình trong việc quản lý trật tự đô thị mà cả lĩnh vực khác. Tuy nhiên, không ít lãnh đạo địa phương cho rằng, đối với các nhóm mở, người thành lập nhóm cần kiểm duyệt kỹ hơn những góp ý thiếu tính xây dựng, áp đặt, quy chụp… để tránh tạo ra tâm lý ức chế cho các lực lượng chức năng.