Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý Uber, Grab: Thiếu hành lang pháp lý

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/3, tại buổi Tọa đàm trực tuyến về quản lý taxi công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, nhiều ý kiến đã đánh giá những mặt được và chưa được của Uber, Grab. Từ đó, cơ quan chức năng có thể tham chiếu để đưa ra phương án quản lý loại hình vận tải này sao cho hiệu quả.

Thiếu quy định
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam đã được triển khai được 10 năm nay nhưng chỉ đề cập đến 5 loại hình vận tải hành khách là xe buýt, taxi, xe hợp đồng, vận tải tuyến cố định và vận tải hành khách du lịch. Trong khi đó, khi hình thức ứng dụng công nghệ trong GTVT (tiêu biểu là Uber và Grab) xuất hiện, đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ thì không thấy đề cập đến loại hình này.
 Cần sớm thiết lập hành lang pháp lý để quản lý Uber, Grab. Ảnh: Tạ Tôn
Ông Thọ cho rằng, đối với 5 loại hình vận tải hành khách được đề cập đến trong Luật, tất cả đều đã được cụ thể hóa bằng các Nghị định, quy định cụ thể về kinh doanh và điều kiện kinh doanh. Nhưng, từ năm 2014, khi Uber và Grab xuất hiện, hoạt động của hình thức này cũng như công tác quản lý đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Vì thế, việc tạo ra hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ tất cả loại hình, đối tượng kinh doanh vận tải dù có ứng dụng công nghệ hay không đang trở thành yêu cầu cấp bách.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá và đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ cũng như sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường bộ. Nghị định 86 sửa đổi sẽ theo hướng quản lý chặt chẽ, công bằng, công khai, nghiêm minh các đối tượng kinh doanh vận tải cả về phương tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ và tạo ra sự đồng bộ, tạo sân chơi công bằng, lành mạnh trong hoạt động vận tải.
“Ứng dụng công nghệ vào tất cả lĩnh vực, trong đó có cả GTVT đang là xu thế tất yếu của thế giới. Việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý Nhà nước cũng như vào sản xuất, phát triển dịch vụ sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội” - ông Thọ đánh giá.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền cho rằng, theo quy định, tất cả các hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ở Việt Nam đều là hoạt động kinh doanh có điều kiện, vì những hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT và ANTT.
Do đó, đối với Uber, Grab là các hoạt động kinh doanh vận tải có kết nối công nghệ cũng phải được đưa ra các điều kiện, các khung pháp lý phù hợp. “Quan điểm của chúng tôi là đưa ra các quy định để hài hoà lợi ích của các bên liên quan đến hoạt động vận tải, gồm khách hàng, DN, người lao động của các DN và lợi ích của quản lý Nhà nước từ lợi ích thuế đến quản lý vận tải” - bà Hiền nói.

Quản chặt để hạn chế tiêu cực, bất cập

Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà hiện nay việc hoạt động và quản lý Uber, Grab vẫn đang gây nhiều tranh cãi ở các nước trên thế giới. Ví dụ, tại Mỹ - nơi Uber khởi nghiệp nhưng hiện tại nước này cũng chỉ cho phép hoạt động tại một số bang nhất định. Còn như Canada hay Australia, chính quyền các nước này đã đưa ra những quy định rất khắt khe nhằm quản lý chất lượng của Uber.
Tại bang Quebec (Canada) vừa thông qua đạo luật, toàn bộ lái xe Uber phải trải qua sát hạch về lý lịch, tiền sử, năng lực lái xe, trải qua 35 tiếng đồng hồ tập huấn như lái xe taxi. Còn Australia thì bắt buộc toàn bộ tài xế phải đăng ký mã số thuế, đóng thuế cho cơ quan quản lý, thậm chí phải nộp 1 USD cho mỗi chuyến xe để đưa vào quỹ tài trợ cho DN taxi truyền thống. Thậm chí một số nước như Bungary, Hungary, Nhật, Đài Loan, Đức thì cấm hoàn toàn Uber” - ông Minh thông tin.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Vũ Hà tái khẳng định quan điểm, ứng dụng công nghệ trong GTVT mang lại nhiều lợi ích tích cực nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với Uber, Garb để hạn chế những tiêu cực, bất cập từ loại hình dịch vụ này.

Về phía địa phương, ông Vũ Hà cho biết, trong thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội đã nghiên cứu đưa ra nhiều quy định để làm sao quản lý loại hình taxi công nghệ, trong đó có Uber, Grab. Quan điểm của đơn vị là không thể thả nổi Uber, Garb. Đặc biệt là tại Hà Nội hiện nay khi giao thông đang quá tải. “Năm 2017, chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP trình HĐND thông qua Nghị quyết trong đó có định hướng quản lý loại hình này.
TP cũng có nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT góp ý sửa đổi Nghị định 86. Chúng tôi luôn ủng hộ quan điểm phải đưa loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ngồi vào quản lý giống như quản lý taxi” - ông Vũ Hà nói.

Hà Nội có quyền ngừng cấp phù hiệu cho Uber, Grab

Việc cấp phù hiệu xe hợp đồng Uber, Grab, Hà Nội hoàn toàn có thẩm quyền, nếu cảm thấy điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông không đáp ứng, cần thiết có thể đề xuất dừng cấp phù hiệu. Đây là thẩm quyền trong quản lý Nhà nước của các sở GTVT tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ