Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Cần cuộc cách mạng về tư duy

TS. Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khối tài sản nằm trong các DN Nhà nước, DN có vốn Nhà nước đang được ước tính lên tới gần 400 tỷ USD. Hiện việc quản lý vốn Nhà nước tại các DN rất phân tán và do nhiều đầu mối đảm nhận. Tình trạng các bộ và UBND tỉnh, TP thực hiện đồng thời cả 3 chức năng: Quản lý Nhà nước về kinh tế, chủ quản cấp trên đối với DN và đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN vẫn còn phổ biến đang là thực trạng hiện nay trong quản lý vốn Nhà nước tại DN.

VNR đang phải vay ngân hàng để trả lương công nhân duy tu, bảo trì, tuần đường, gác chắn. Ảnh: Hải Nguyễn
Từ thực tế VNR
Theo những diễn biến của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tháng 11/2018, Bộ GTVT đã bàn giao VNR về SCIC. Hiện nay, VNR không được giao công tác bảo trì, nâng cấp, trong khi vẫn được giao quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt quốc gia. Từ ngày 1/1/2020, các DN công ích thuộc VNR đang thực hiện dịch vụ công ích của ngành (gồm: tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ …) đang hoạt động mà không có kinh phí, không được ký hợp đồng… VNR đang phải vay ngân hàng để trả lương công nhân của các DN này (trung bình mỗi tháng các DN công ích cần khoảng 200 tỷ đồng cho việc bảo đảm an toàn chạy tàu).
Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính, cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất có giải pháp đúng quy định pháp luật, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, không được để ảnh hưởng đến đời sống người lao động; trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến, các quy định pháp luật đã có đầy đủ. Ngân sách đã được Bộ GTVT phân bổ, dự toán, giao Cục Đường sắt xử lý. Cục đã mời lãnh đạo VNR tới 4 lần lên Cục để bàn ký hợp đồng giải ngân vốn, song lãnh đạo VNR không lên. Lỗi ở đây là do VNR, không phải của Nhà nước. Thủ tục ký hợp đồng, trình tự ra sao, vướng mắc gì, thì Bộ GTVT cần xem xét để sửa đổi quy chế, quy định cho phù hợp. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải sửa nghị định để bảo đảm thông thoáng hơn, thì Bộ GTVT phải trình Thủ tướng tháo gỡ. Tại cuộc họp ngày 24/2, Bộ GTVT cho biết: "Không vướng gì cả nên các bên cần phối hợp với nhau để làm…". Đặc biệt, VNR cũng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi DN theo tinh thần của Luật Đường sắt, Luật Quản lý tài sản công, Luật Ngân sách; tuân thủ quy định chuyển sang đặt hàng đấu thầu dịch vụ công, chứ không phải kéo dài tình trạng làm theo dự toán và giao ngân sách như cũ…
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, vướng mắc ở đây là do VNR, chứ không phải của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Từ khi chuyển về Ủy ban QLVNNTDN, VNR không chịu thay đổi để phù hợp với các quy định mới, không đổi mới mô hình tổ chức theo các quy định của luật, mà chỉ muốn sửa luật để phù hợp với chính hoạt động của họ. Vướng mắc trong việc giao vốn không phải từ Bộ GTVT xuống VNR, mà là vướng từ VNR xuống 20 công ty "con". Tất cả các công ty này đều là các công ty cổ phần, nên theo quy định của pháp luật hiện hành, thì DN Nhà nước không thể giao vốn cho công ty cổ phần, mà bắt buộc phải đấu thầu, công khai, minh bạch để sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, trong khi đó VNR lại muốn "có quyền" giao vốn cho các đơn vị trên…?!
Và những đòi hỏi đổi mới
Vậy là đã khá rõ, điều trước mắt cần làm để có kinh phí duy trì bảo đảm an toàn hoạt động của đường sắt quốc gia là sự hợp tác nghiêm túc của Cục Đường sắt và VNR với Bộ GTVT và Cục Tài chính, để ký hợp đồng giải ngân vốn đã có theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cơ quan nào không làm đúng, thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm chính. Đặc biệt, cần có báo cáo giải trình và tổ chức thanh tra công vụ khách quan, xử lý nghiêm các sai phạm, ngăn ngừa tình trạng tùy tiện biện minh, đổ lỗi cho pháp lý, lại càng không được phép lấy sự an toàn đường sắt và sinh mạng hành khách làm con tin gây sức ép với Chính phủ, vì ngại thay đổi chính mình hoặc vì “lợi ích nhóm”…
Trên hết, cần thay đổi tư duy để dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập theo thông lệ quốc tế, cũng như cần có cơ cấu nhân sự lãnh đạo đủ “tâm và tầm” trong quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN. Đồng thời, sớm hoàn thiện cách thức thực hiện nhiệm vụ để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý của Ủy ban QLVNNTDN nhằm mục tiêu tách bạch việc quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN. Đây phải là một tổ chức kinh doanh vốn thực sự, kiểm soát mục tiêu về tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…, chứ không phải là giao và kiểm soát từng dự án đầu tư của từng DN. Hơn nữa, càng không được phép biến Ủy ban này vận hành giống với một cơ quan hành chính nhà nước - kiểu “siêu bộ”- quyền to, trách nhiệm nhỏ; gây cản trở sự lưu thông hiệu quả và lãng phí tài sản công…