Hà Nội

Quản lý xây dựng công trình cao tầng: Sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch

Vũ Lê thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển công trình cao tầng là xu thế của nhiều đô thị trong và ngoài nước nhằm khai thác hiệu quả đất, góp phần xây dựng diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.

Thực tế phát triển công trình cao tầng của Hà Nội thời gian qua đã có những kết quả đáng kể trong việc tạo lập diện mạo mới cho bộ mặt đô thị Thủ đô. Tuy nhiên, việc xây dựng với tốc độ nhanh của những chung cư, nhà cao tầng cũng để lại không ít vấn đề thách thức, tồn tại.

Nhìn nhận thực tiễn để có tiếp cận khoa học, đồng bộ từ công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và khai thác sử dụng công trình cao tầng, báo Kinh tế & Đô thị đã có trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề này.

Quản lý xây dựng công trình cao tầng: Sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch - Ảnh 1

Thưa ông, việc xây dựng công trình cao tầng tại khu vực nội đô Hà Nội thời gian qua được dư luận rất quan tâm. Ông đánh giá thế nào về xu thế xây dựng công trình cao tầng tại các đô thị nói chung và Hà Nội nói riêng?

- Việc xây dựng công trình cao tầng đã và đang là xu thế trong phát triển đô thị. Đây là hệ quả của đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ trong việc tạo lập diện mạo cảnh quan, thẩm mỹ hiện đại cho đô thị và là dấu ấn minh chứng cho sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nhiều nơi trên thế giới xem việc xây dựng công trình cao tầng như tạo ra đặc thù cho văn hóa địa phương. Ví dụ, từ năm 1851 khi xuất hiện thang máy, tại Đại lộ New York (Mỹ) đã xây dựng tòa nhà 11 tầng cao 55m, đến năm 1895 đã xây dựng tòa nhà 20 tầng ở Chicago… Hay tại Singapore năm 1986 đã xây dựng công trình cao 70 tầng, Nhật Bản xây tòa nhà cao 60 tầng vào năm 1978.

Khi nhắc đến Kuala Lumpur (Malaysia) có lẽ chúng ta đều sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh tòa tháp đôi cao nhất thế giới Petronas được xây năm 1998. Hay Đài Loan với tòa nhà 101 tầng đã tạo lập kỷ lục mới về công trình cao tầng vào năm 2004. Đặc biệt, với số tầng 160 và chiều cao 860m, tòa nhà Burj Khalifa tại Dubai đã trở thành biểu tượng của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, đồng thời là tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay. Đến nay, trên thế giới đã có gần 200 công trình siêu cao tầng.

Tại Thủ đô Hà Nội, trước năm 1954, tòa nhà cao nhất là 7 tầng (khu vực Nhà in báo Nhân Dân cũ tại phố Tràng Tiền). Trước năm 1986 đã xây dựng khách sạn Hà Nội cao 11 tầng. Đến năm 2005, mở ra thời kỳ về xây dựng nhà cao tầng trong các khu đô thị mới, Hà Nội đã xây dựng gần 60 công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên). Năm 2020, TP đã có trên 300 công trình cao tầng và tòa nhà cao nhất là Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 73 tầng với 336m.

Qua khái quát trên cho thấy, Hà Nội không nằm ngoài xu thế phát triển công trình cao tầng để tạo lập diện mạo mới cho Thủ đô. Nhìn lại quá trình đã qua cho thấy công tác này đã có kết quả nhất định song cũng bộc lộ những tồn tại cần nhận diện để có đóng góp xứng tầm với mục tiêu xây dựng Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại.

Hà Nội đã tiếp cận với xu thế chung về phát triển công trình cao tầng và TP đã có định hướng quản lý như thế nào đối với các công trình này, thưa ông?

- Phát triển công trình cao tầng tại Hà Nội đã được Nhà nước và TP rất quan tâm. Trước hết thể hiện trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, đây là định hướng và cũng là công cụ để quản lý. Ngay từ Quy hoạch chung được duyệt năm 1992 và điều lệ quản lý xây dựng đã xác định: Khu vực Hồ Gươm và phụ cận chỉ được xây dựng công trình cao không quá 16m ven hồ. Khu phố cổ, xây dựng không quá 3 tầng; các khu vực xung quanh Hồ Tây phải lựa chọn chiều cao thích hợp. Đến Quy hoạch chung được duyệt năm 1998 cũng xác định: Trong khu phố cũ hạn chế xây dựng các công trình cao tầng, chỉ được xây dựng ở một số vị trí thích hợp. Các khu vực đặc trưng như phố cổ tuân thủ quy định đã ban hành trước.

Đến Quy hoạch chung được duyệt năm 2011 cũng khẳng định hạn chế xây nhà cao tầng trong nội đô lịch sử; lựa chọn vị trí thích hợp với khu nội đô mở rộng, các khu đô thị mới phải xác định theo quy hoạch. Để cụ thể hóa quy hoạch, UBND TP đã có Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội.

Trong đó, chỉ cho phép xây dựng công trình cao tầng tại các khu vực hai bên tuyến đường vành đai, tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính, một số khu vực điểm nhấn đô thị, trên cơ sở tuân thủ quy hoạch và đã xác định cụ thể trong quy chế. Các dự án tái thiết đô thị là khu chung cư cũ, di dời cơ sở công nghiệp được nghiên cứu trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, tạo nhiều không gian xanh, đồng bộ hạ tầng xã hội…

Có thể thấy, quy chế quản lý công trình cao tầng đã được nghiên cứu kỹ, cụ thể hóa quy hoạch chung và định hướng cho từng tuyến khu vực cụ thể. Triển khai Quy hoạch chung 2011, TP đã phê duyệt phủ kín các quy hoạch phân khu và rất nhiều quy hoạch chi tiết, trong đó xác định rất cụ thể tầng cao trung bình, tầng cao tối đa và các chỉ tiêu kỹ thuật. Như vậy, việc xây dựng công trình cao tầng đã có đồng bộ định hướng quản lý. Trong quá trình thực hiện có một số điều chỉnh cục bộ song đều được tham vấn ý kiến rộng rãi để có cơ sở TP xem xét.

Phát triển công trình cao tầng đã có những kết quả đáng kể trong việc tạo lập diện mạo mới cho bộ mặt đô thị Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải
Phát triển công trình cao tầng đã có những kết quả đáng kể trong việc tạo lập diện mạo mới cho bộ mặt đô thị Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải

Như ông đã nói ở trên thì đã có cơ bản đồng bộ cơ sở pháp lý để quản lý việc xây dựng các công trình cao tầng ở khu vực nội đô. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy vẫn còn một số tồn tại, còn tình trạng công trình cao tầng xây chen trong nội đô, gây quá tải hạ tầng, theo ông nguyên nhân chủ yếu là do đâu?

- Trước hết phải thấy tính đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống quy hoạch và văn bản pháp luật chưa cao, nhất là quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Từ đó dẫn đến xây dựng công trình cao tầng chưa gắn với đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng giao thông nên đã gây áp lực về giao thông.

Thứ hai, phải kể đến việc chưa nhận diện hết giá trị di sản và truyền thống nên chưa phát huy giá trị văn hóa trong công trình cao tầng để tạo lập diện mạo đặc thù cho Thủ đô. Nhất là chưa thật sự chú trọng cảnh quan khung của cả khu vực, tuyến không gian. Sau nữa là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa kịp thời, chưa quyết liệt.

Vậy để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong phát triển các công trình cao tầng, thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm đến các giải pháp chủ yếu nào, thưa ông?

- Theo tôi, trước hết cần quan tâm đến hoàn thiện đồng bộ hệ thống quy hoạch cho Hà Nội, nhất là chú trọng đến thiết kế đô thị nhằm tạo lập đồng bộ không gian, kiến trúc, cảnh quan. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án. Tiếp đó là hoàn thiện các quy chế quản lý từng khu vực, theo quy hoạch phân khu. Việc làm này cần thực hiện ngay từ nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang thực hiện.

Các công trình cao tầng với vai trò là điểm nhấn của khu vực cần được nâng cao năng lực thiết kế, giải pháp kiến trúc. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra, nhất là cần quyết liệt trong xử lý vi phạm đối với loại công trình xây dựng này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!