Kinhtedothi - Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, nợ công tăng bình quân 20%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 5,8%. Tình hình nợ công đang rất đáng lo ngại và cần có ngay sự quản lý, giám sát tốt - đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Giảm chi, sử dụng hiệu quả đồng vốnNợ công năm 2015 được dự kiến khoảng 64% GDP, nhưng Chính phủ vẫn xác định trong mức giới hạn cho phép và giữ mức trần nợ công đến 2020 không quá 65% GDP, ông nghĩ sao về điều này?
- Nếu như năm 2010, nợ công chỉ 1,115 triệu tỷ đồng, chiếm 51,7% GDP thì đến năm 2013 đã hơn 1,9 triệu tỷ đồng, năm 2014 gần 2,4 triệu tỷ đồng, dự kiến đến 2015 gần 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm trên 64% GDP. Tốc độ tăng 20%/năm. Nợ công tăng lên quá nhanh, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng thu - chi quá lớn. Thứ nhất, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, nghĩa vụ trả nợ là 183.000 tỷ đồng, chiếm 22,3% tổng thu. Năm 2014 là 208.000 tỷ đồng, chiếm 26,69% (mức báo động). Dự kiến, năm 2015 lên đến trên 282.000 tỷ đồng, chiếm 31% (mức không an toàn). Thứ hai là đảo nợ, từ năm 2014, đảo nợ 70.000 tỷ đồng; năm 2015, con số này lên tới 130.000 tỷ đồng. Thứ ba là một số khoản mà chúng ta chưa đưa vào nợ công (theo cách tính toán quốc tế, nợ công bao gồm cả nợ của T.Ư, nợ của các địa phương, các DN Nhà nước...). Đây là dấu hiệu cho thấy, dù dưới 65% GDP nhưng nợ công của ta đang không an toàn.
Đường Vành đai 3 trên cao được hoàn thành trước tiến độ và đã phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Ảnh: Huy Hùng
Bối cảnh của Việt Nam hiện này có gì khác với các nước khác và chúng ta cần làm gì để tránh suy kiệt ngân sách, thưa ông?
- Thực tế, tỷ lệ nợ công tính trên GDP không phải là vấn đề, mà quan trọng là khả năng trả nợ của quốc gia như thế nào. Ví dụ, nợ công của Nhật Bản lên tới 227% GDP, thuộc hàng cao nhất trong những nước phát triển nhưng do kinh tế tăng trưởng ổn định (dù không cao), vẫn đảm bảo thu được thuế, cho nên không ở tình trạng báo động về nợ công. Song cùng thời gian đó, ở châu Âu lại xảy ra khủng hoảng nợ công khiến nhiều nước lao đao, lý do là tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ thấp, thậm chí âm.
Việt Nam có khác các nước là chúng ta đang trong thời gian mới bắt đầu và có thể nhìn các nước khác để đúc rút ra những bài học. Bên cạnh nợ công, một vấn đề rất đáng quan tâm là chúng ta bị rơi vào tình trạng mất cân đối ngân sách có tính thường xuyên. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn và nhất là khi chúng ta đang có xu hướng nâng mức bội chi ngân sách thì nguy cơ sẽ sớm đối diện với tình trạng bất ổn hơn.
Quan trọng nhất bây giờ có hai điểm: Thứ nhất là phải giảm chi của Chính phủ, đặc biệt là giảm chi thường xuyên. Thứ hai là phải quản lý và xem lại cơ chế đầu tư công một cách cẩn trọng hơn, để làm thế nào đồng tiền cung ứng ra phải được sử dụng hiệu quả nhất. Đó là những việc phải làm trước khi có các quyết định về mặt tăng đầu tư công, nếu không sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và có thể gây ra những bất ổn trong các cán cân kinh tế vĩ mô, nhất là nợ công.
Không để đầu tư tràn lanCó những ý kiến cho rằng việc chi tiêu công hiện nay không chặt chẽ, lãng phí, tham nhũng nhiều, không giảm chi. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nợ công dù có đáng ngại nhưng vẫn không thể sánh bằng nạn tham nhũng, vốn là một nguyên nhân dẫn đến nợ công cao. Tất cả các vấn đề đó phải giải quyết được, không thể để Nhà nước bỏ ra 100 đồng mà vào trong công trình có 40 - 50 đồng, số còn lại thì bị ăn xén ăn bớt, tạo ra những công trình kém chất lượng rồi phải đầu tư thêm để sửa chữa những công trình ấy. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói là chi phí làm đường ở Việt Nam cao hơn bên Mỹ tới hai, ba lần, như thế là làm sao? Không phải chỉ nói nợ công đó là bao nhiêu mà nợ công đó làm gì, có ích lợi gì, tồn tại bao lâu. Cái nợ công đó tạo ra nợ công khác phải có những biện pháp khống chế, đừng gây ra lãng phí.
Ngoài ra, trong đầu tư công, dứt khoát là không được để đầu tư tràn lan, kiểu như tỉnh nào cũng cảng biển, cũng cũng trụ sở nguy nga, cũng sân vận động, xây chợ, xây bảo tàng... khi chưa cần thiết, rất lãng phí và không sử dụng hết công năng. Đây là vấn đề rất cần tính đến trong đầu tư ở các địa phương hiện nay.
Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải ở các địa phương, liệu nên có những cơ chế như khoán chi tiêu hay các chế tài nhất định nào đó về phạt hay không?
- Tôi không nghĩ rằng những quy định cụ thể như vậy sẽ có ý nghĩa, quan trọng nhất là cần có một cơ chế rõ ràng về thu và chi ngân sách ở các địa phương. Tức là, những khoản địa phương tự huy động có thể tự đưa ra kế hoạch để chi tiêu, còn những khoản từ T.Ư phải được giám sát để sử dụng đúng mục đích. Hơn nữa, những khoản từ T.Ư "rót" xuống cũng chỉ nên dành cho những mục tiêu mang tính liên tỉnh, mục tiêu quốc gia chứ không phải thuần túy cho riêng địa phương đó.
Theo ông, giải pháp để giảm dần nợ công trong thời gian tới là gì?
- Vấn đề hiện nay là tăng dần thời hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, giảm bội chi. Cần xem xét lại cơ cấu thu - chi ngân sách hiện nay, cách thức phân bổ vốn, rà soát lại các khoản chi không cần thiết để cắt giảm... Cần tăng thu từ DN Nhà nước. Ngoài ra, dư địa thu từ DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn nhưng trước nay thu chưa tương xứng. Cần tăng cường thu ở khu vực DN này.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước phải thắt lưng buộc bụng, tránh đầu tư dàn trải; cần giải pháp tái cơ cấu lại nợ công, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng vốn Nhà nước. Ngay trong lĩnh vực hạ tầng, bây giờ chúng ta có nhiều hình thức chứ không phải chỉ trông chờ vào đầu tư công. Cần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam mạnh mẽ, điểm mấu chốt là gia tăng năng lực sản xuất, tăng cung về tư liệu sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Xin cảm ơn ông!