Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Nam Từ Liêm với công tác đảm bảo ATTP: Kiểm tra “nóng”, giải quyết nhanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động đầu tư trang thiết bị, thiết lập đội ngũ chuyên trách, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm là những điểm nổi bật trong công tác đảm bảo ATTP của quận Nam Từ Liêm.

Nhờ vậy, người dân phần nào yên tâm hơn về thực phẩm được bày bán hàng ngày tại các chợ dân sinh, đại lý, siêu thị nằm trên địa bàn quận.

Chủ động đầu tư trang thiết bị

Là nơi có nhiều khu đô thị mới, các trường đại học, khách sạn, nhà hàng, quán ăn “đóng đô” nên ATTP trên địa bàn quận Nam Từ Liêm luôn là một vấn đề “nóng” được người dân quan tâm. Từ cuối năm 2015, quận đã được UBND TP Hà Nội lựa chọn là một trong 5 quận, huyện triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở. Vì vậy, một lần nữa, công tác này được cả Nhân dân và chính quyền quận quan tâm, nhất là tại 2 phường được triển khai thí điểm là Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, lực lượng thanh tra cấp quận có 9 thành viên, 12 thành viên ở 2 phường Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2, tất cả đều được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và triển khai thanh tra theo kế hoạch. Sau 6 tháng triển khai, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP của quận đã thanh tra gần 30 cơ sở, xử phạt hơn 61 triệu đồng, tiêu hủy hơn 2.000kg thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Thanh tra an toàn thực phẩm quận Nam Từ Liêm kiểm tra độ pH của thịt. Ảnh: Hà Ngân
Thanh tra an toàn thực phẩm quận Nam Từ Liêm kiểm tra độ pH của thịt. Ảnh: Hà Ngân
Ông Tuấn cho biết thêm, qua những đợt kiểm tra, Ban chỉ đạo ATTP quận nhận thấy mối nguy hại của dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ, quả là một vấn đề “nhức nhối” cần giải quyết triệt để. Vì thế, từ số tiền phạt, quận đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu và trích ra một phần để mua sắm thiết bị kiểm tra nhanh dư lượng 2 nhóm thuốc trừ sâu độc hại trên rau, quả (nhóm phốt phát và cacbonat). Ngoài ra, đoàn thanh tra còn mở rộng xét nghiệm đối với các sản phẩm khác như hàn the trong giò, chả, phoóc – môn trong bánh phở, bún, phẩm màu các thực phẩm chế biến sẵn. Sau gần 2 tháng triển khai, đoàn đã thực hiện hơn 40 xét nghiệm và phát hiện một số mẫu rau, quả nhiễm thuốc trừ sâu, buộc phải tiêu hủy... Các loại rau nghi ngờ chứa nhiều thuốc trừ sâu sau các đợt kiểm tra sẽ được khuyến cáo đến người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh. Mặc dù kết quả xét nghiệm nhanh chỉ dừng lại ở mức độ định tính, nhưng bước đầu đã có tác dụng cảnh báo, răn đe đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”.

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định, quan điểm của quận là không chỉ tập trung xử phạt mà lực lượng thanh tra phải yêu cầu cơ sở khắc phục ngay các sai phạm, ký cam kết không tái phạm và sẽ thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử phạt mạnh hơn, thậm chí đóng cửa hoạt động nếu tái phạm. Chính nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các cấp, ngành, quận Nam Từ Liêm được TP đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong 5 quận, huyện triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở.

Thành lập đội chuyên trách

Tại các các quận, huyện khác, cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên công tác thanh, kiểm tra không được thực hiện thường xuyên, chủ yếu dừng lại ở thanh tra theo kế hoạch nên kết quả khó đảm bảo tính khả quan, minh bạch. Để khắc phục tình trạng này, quận Nam Từ Liêm đã ra quyết định thành lập Tổ kiểm soát chất lượng thực phẩm với 5 thành viên gồm Phó trưởng Phòng Kinh tế, Trưởng khoa ATTP của Trung tâm Y tế quận, Trưởng Ban quản lý chợ quận và 2 cán bộ trực thuộc Ban quản lý chợ. Tổ kiểm soát này có trách nhiệm hàng ngày đến các chợ dân sinh, các công ty cung cấp thực phẩm lớn, các đại lý thực phẩm trên trên địa bàn quận kiểm tra xác suất các mẫu rau đang trong diện cảnh báo chứa nhiều thuốc trừ sâu và kiểm tra đánh giá độ tươi của thịt thông qua máy đo độ pH. Kết quả kiểm tra hàng này sẽ được tập hợp, thông báo về Ban chỉ đạo ATTP quận để thông tin đến người dân qua loa phát thanh. Ngoài ra, đối với các mặt hàng không đảm bảo, Tổ kiểm soát sẽ báo cáo với Ban chỉ đạo và ra quyết định xử phạt hành chính, sau đó thu hồi hoặc tiêu hủy.

Theo đánh giá của ông Tuấn, sự ra quân thường xuyên của Tổ kiểm soát sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức của các hộ kinh doanh, buôn bán thực phẩm trên địa bàn, nhất là tại các chợ dân sinh – nơi khó kiểm soát ATTP nhất. Nguồn kinh phí để Tổ kiểm soát hoạt động sẽ được lấy từ nguồn kinh phí của Phòng Y tế và nguồn kinh phí hỗ trợ từ quận. Ngoài ra, số tiền xử phạt qua các đợt thanh, kiểm tra sẽ được tái đầu tư mua trang thiết bị xét nghiệm phục vụ cho công tác kiểm tra ATTP. Mặc dù là một mô hình mới nhưng theo đánh giá của nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn quận, đây là một cách làm thiết thực, hiệu quả khiến thực phẩm “bẩn” không còn chỗ đứng, mà người dân cũng yên tâm hơn khi mua thực phẩm tại các chợ nhỏ lẻ.

Giải quyết dứt điểm các điểm “nóng”

Do các mặt hàng kinh doanh trên địa bàn khá đa dạng nên UBND quận đã giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, UBND phường, Ban quản lý chợ để việc giám sát và đảm bảo ATTP tại cơ sở được sát sao, trong đó nhấn mạnh việc xử lý dứt điểm ngay những tồn tại gây bức xúc trên địa bàn quận. Bà Nguyễn Thị Xuân – Trưởng đoàn thanh tra ATTP quận cho biết, sau vụ việc thực phẩm đông lạnh hết hạn bị “phanh phui” tại chợ Phùng Khoang – Trung Văn, UBND quận đã giao Phòng Kinh tế phối hợp với UBND phường Trung Văn, Ban quản lý chợ giải tỏa ngay kho lạnh, nghiêm cấm việc kinh doanh các thực phẩm đông lạnh. Bên cạnh đó, đình chỉ các hoạt động giết mổ tại chợ, bố trí, sắp xếp lại các điểm kinh doanh phù hợp. Ngoài ra, quận yêu cầu 100% các hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ phải ký cam kết và chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm bày bán; khắc phục ngay tình trạng ô nhiễm môi trường tại chợ.

Mặc dù là một quận mới thành lập nhưng sự chủ động đổi mới, đầu tư trong công tác đảm bảo ATTP của quận đã tạo bước chuyển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các cấp chính quyền chỉ là một phần nhỏ, điều cốt lõi nằm ở lương tâm của những người trực tiếp sản xuất, nuôi trồng thực phẩm và sự lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng.