Tại các buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành uỷ đã làm việc trực tiếp với cán bộ cơ sở, tìm hiểu tình hình tổ chức sản xuất của một số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở thôn Nội Xá, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà. Làm việc tại huyện Ứng Hoà. Sau khi nghe Thường trực Huyện uỷ Ứng Hoà và Hội Nông dân thành phố báo cáo, đồng chí Bí thư Thành uỷ chỉ đạo, cụ thể: Huyện Ứng Hoà là huyện Ngoại thành, xa Trung tâm thành phố, có nhiều khó khăn về hạ tầng phục vụ sản xuất và nguồn thu ngân sách, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Song với sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, sự giúp đã của các sở, ban, ngành của thành phố, sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện có sự chuyển biến rõ rệt. Giá trị bình quân trên một héc ta đất canh tác đạt 94 triệu đồng, cơ bản hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa với 122/138 thôn hoàn thành giao ruộng tại thực địa; cơ cấu cây trồng vật nuôi có sự chuyển dịch tích cực, kinh tế trang trại phát triển; đời sống nhân dân trên địa bàn được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện Chương trình số 02 của Thành uỷ về nông nghiệp, nông thôn của huyện Ứng Hoà còn nổi lên một số khó khăn, hạn chế: Kinh tế của huyện vẫn còn thuần nông, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Vệ sinh môi trường ở nông thôn, đặc biệt làng nghề còn ô nhiễm; nước sạch khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ thời gian tới, huyện Ứng Hoà cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong xây dựng nông thôn mới; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng to lớn về nông nghiệp, nông thôn trong huyện. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân, nhất là những khó khăn về vốn, thời hạn thuê đất, về kỹ thuật, thị trường tiêu thụ để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại. Huyện cần chủ động, năng động, khẩn trương chỉ đạo xây dựng quy hoạch đất đai, cho thuê đất nông nghiệp lâu dài, ổn định, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của Thủ đô về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, về giống cây, giống con phục vụ nông dân phát triển sản xuất. làm tốt hơn nữa công tác dồn điền đổi thửa để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, hình thành vùng chuyên canh, chủ động xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp. Quan tâm hơn nữa đến việc cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh cho những vùng nhiễm asen; triển khai rộng khắp hơn nữa cuộc vận động làm sạch môi trường nông thôn, thu gom và xử lý nước thải, rác thải. Quan tâm thực hiện các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Làm sao để người nông dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Trong quá trình thực hiện các chính sách của thành phố, nếu có khó khăn vượt quá khả năng của huyện thì báo cáo thành phố xem xét, giải quyết. Trong xây dựng nông thôn mới, cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển sản xuất với việc chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân; giữ gìn phát huy truyền thống Cách mạng, văn hoá của quê hương. Đồng thời, để phát huy tốt nội lực của địa phương, cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở cần chỉ đạo sâu sát việc phát huy dân chủ ở cơ sở; bảo đảm tốt an ninh nông thôn. Tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia bàn bạc một cách dân chủ, công khai những chương trình, dự án triển khai tại thôn, xóm, xã. Với các sở, ngành của thành phố, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô; phối hợp chặt chẽ với các huyện tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đánh giá, tổng kết mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi, phát triển kinh tế trang trại trong thời gian tới. Hội Nông dân thành phố cần tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong hội viên, nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình vận động và tổ chức triển khai thực hiện cần chú ý làm rõ vị trí, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới: Người dân nông thôn với vai trò là chủ thể tiếp nhận đề án, được bàn bạc dân chủ, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, quản lý, giám sát đối với các dự án xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Trên cơ sở hỗ trợ của Nhà nước, người nông dân cần xây dựng ý thức cộng đồng trách nhiệm, chủ động, tự giác đóng góp công sức, tài lực, vật lực, tích cực tham gia tổ chức thực hiện và cũng chính là đối tượng được thụ hưởng những thành quả trong xây dựng nông thôn mới. Hội cần cải tiến các hình thức tập huấn kỹ thuật cho nông dân phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương theo tinh thần ai thiếu kiến thức gì thì học về lĩnh vực ấy, học tập kinh nghiệp để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; tránh việc tập huấn tràn lan, phô trương, hình thức, ít hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện giúp nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Một số kiến nghị của huyện Ứng Hoà và Hội Nông dân thành phố, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Thường trực Chương trình 02 của Thành uỷ về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” làm đầu mối tiếp nhận các đề xuất của Hội Nông dân thành phố; tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình và UBND TP xem xét giải quyết và hướng dẫn thực hiện. Đồng thời tổng hợp các vấn đề chung có liên qua đến các huyện để chuẩn bị cho sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình số 02 của Thành uỷ vào đầu tháng 1/2013.