Chặng đường xây dựng và phát triển ấy chưa dài, nhưng cũng đủ hình thành và khẳng định bản sắc của một vùng đất nhiều cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử có giá trị. Như lãnh đạo quận đã nói: Tây Hồ đã và đang vững bước đi lên, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, hình thành nên dáng vóc của một quận nhiều tiềm năng và những đặc trưng riêng trong du lịch văn hóa phía Tây Thủ đô.
Những bước chuyển vượt bậc
Chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ 1/1/1996, trên cơ sở 3 phường của quận Ba Đình (Bưởi, Yên Phụ, Thụy Khuê) và 5 xã của huyện Từ Liêm cũ (Quảng An, Tứ Liên, Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng). Quận Tây Hồ khi đó, với dân số 77.101 người; có 5 hợp tác xã nông nghiệp; 565ha đất sản xuất (trong đó có 84ha hoa đào, 7ha quất cảnh); hạ tầng đô thị thấp kém, các trường học được xây dựng chủ yếu là nhà cấp 4 và phải học chung nhiều cấp học.
Tổng số DN trên địa bàn khi đó cũng chỉ ở con số 44 DN và gần 2.000 hộ kinh doanh (trong đó có 236 hộ cho người nước ngoài thuê nhà). Không chỉ dừng ở đó, quận còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khác như tệ nạn xã hội, tình trạng mua bán, lấn chiếm đất công. Đặc biệt, quận phải đảm nhận xử lý bước 2 các vi phạm pháp lệnh đê điều ở khu vực Yên Phụ, Nhật Tân, Quảng An, Phú Thượng…
20 năm nhìn lại, Tây Hồ hiện đã có một diện mạo đô thị hiện đại, kinh tế phát triển vững chắc theo đúng định hướng cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Quận đã tập trung đầu tư về hạ tầng đô thị, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ kinh doanh, dần thu hút được các DN đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đến năm 2015, trên địa bàn đã có 4.232 DN, tăng 100 lần so với khi thành lập.
Mặt khác, quận đã phối hợp với các trường ĐH, các ngành để hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vay vốn sản xuất, nhất là những loại cây, hoa có giá trị kinh tế cao. Điều đáng nói là trong điều kiện đất đai dần bị thu hẹp do đô thị hóa, nhưng đến năm 2015, diện tích trồng hoa đào của quận lại tăng lên 114ha, quất cảnh là 26ha. Những thương hiệu Hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, chè sen Quảng An “Tinh hoa chè Việt” đã khẳng định thêm “sản phẩm nông nghiệp đất Tây Hồ”.
Từ đó, giá trị sản xuất các ngành do quận quản lý tăng bình quân trên 12%/năm. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch rõ rệt. Nếu như giai đoạn 1996 - 2000, tỷ trọng dịch vụ chiếm 49,1% thì đến năm 2015 tỷ trọng dịch vụ là 60,76%. Thu ngân sách năm 1996 được 16,6 tỷ đồng đến năm 2015 thu ngân sách được 1.309 tỷ đồng, tăng gần 80 lần.
Với một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của nhiệm kỳ Đại hội đó là GPMB thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị và xã hội, quận đã GPMB hơn 100 dự án, liên quan đến hàng vạn hộ dân, trong đó 3.000 hộ tái định cư. Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt với phương châm dân chủ, công khai, công bằng và đúng pháp luật.
Mọi khó khăn đều được tháo gỡ, nhiều dự án trọng điểm của TP hoàn thành, có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển của quận như hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, An Dương Vương, Xuân La, cầu Nhật Tân, đường Vành đai II, đường Văn Cao - Hồ Tây... Các khu đô thị mới, khu vui chơi, giải trí được xây dựng mang đặc trưng của khu đô thị hiện đại. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước sạch, thoát nước được cải tạo, nâng cấp đồng bộ; các tuyến đường giao thông, dân sinh được bê tông hóa..., Tây Hồ đã thực sự đổi khác qua thời gian.
Cùng với đó, công tác quản lý Hồ Tây và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường Hồ Tây được Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm chỉ đạo với nhiều biện pháp quyết liệt, nhất là từ khi tiếp nhận bàn giao quản lý Hồ Tây từ các sở, ngành TP về quận từ năm 2010 đến nay đã đi vào nền nếp. Quận đã tiến hành thả thủy sinh làm sạch nước Hồ Tây, nạo vét các khu vực Hồ Tây, làm mới lan can Hồ Tây…; xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và 7 trạm bơm chuyển bậc đưa nước thải về nhà máy xử lý. Tình trạng câu cá, môi trường trên mặt nước đã dần được cải thiện. Hệ thống chiếu sáng, cây xanh xung quanh Hồ Tây được đầu tư, cảnh quan môi trường Hồ Tây và các vùng phụ cận đã có bước tiến vượt bậc được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Và dấu ấn tiên phong
Phát triển kinh tế luôn gắn với xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống dân sinh, đó là quan điểm được lãnh đạo quận Tây Hồ quán triệt trong suốt quá trình phát triển. Bởi thế, sau 20 năm nhìn lại, người dân Tây Hồ có thể tự hào bởi không ít những dấu ấn tiên phong của quận. Tây Hồ là quận đầu tiên trên địa bàn TP triển khai xây dựng thành công mô hình “phường văn hóa” (Quảng An, Nhật Tân) với hơn 40 tiêu chí. Hệ thống nhà văn hóa, nhà sinh hoạt được đầu tư, đến nay đã có 7/8 phường có nhà văn hóa; 81/90 khu dân cư có nhà sinh hoạt với những thư viện, phòng đọc với đầy đủ trang thiết bị; hơn 30 sân chơi ở khu dân cư được xã hội hóa các dụng cụ thể thao ngoài trời… góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Tây Hồ cũng là đơn vị đầu tiên của TP thực hiện việc kiểm kê hàng ngàn cổ vật trong 63 di tích lịch sử văn hóa của quận, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị di tích lịch sử. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, 100% di tích trên địa bàn quận đã được tu bổ, tôn tạo ở nhiều mức độ khác nhau với kinh phí trên 350 tỷ đồng, trong đó 22% là từ nguồn ngân sách, còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Tây Hồ cũng là quận “tiên phong” ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính (hiện 22 phần mềm đã được triển khai), vẫn luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu TP về công tác này.
Nếu nói đến những cái “nhất”, không thể không nhắc tới lĩnh vực giáo dục của quận. Từ chỗ nhiều trường phải học chung cấp, học nhờ đình, nhà thờ như ở phường Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng, phòng học chủ yếu là cấp 4. Ban Thường vụ Quận ủy đã sớm chỉ đạo (1997 - 1998) xây dựng xong quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020.
Năm học 1999 - 2000, quận đã có trường Tiểu học Quảng An là trường chuẩn quốc gia đầu tiên của quận và TP (cấp tiểu học) và đến nay là 19/24 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (79%), là một trong những đơn vị có tỷ lệ cao nhất TP, chính bởi sự “đầu tư mạnh” cho giáo dục. Đặc biệt từ năm học 2004 - 2005, quận cũng là đơn vị đầu tiên của TP thực hiện xong việc đầu tư bảng chống lóa và chiếu sáng chuẩn, sau đó được nhân rộng toàn TP năm 2007. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là đơn vị dẫn đầu TP.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Quận luôn xác định, lấy phát triển kinh tế là động lực, văn hóa là nền tảng, xây dựng Đảng là then chốt. Năm 1996, Đảng bộ quận có 21 tổ chức cơ sở Đảng với 2.000 đảng viên, đến năm 2015 Đảng bộ quận có 36 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 7.000 đảng viên.
Trong đó, công tác cán bộ lại chính là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Quận đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đội ngũ cán bộ của quận, chú trọng khâu quản lý, đánh giá cán bộ bằng các tiêu chí cụ thể. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo được đặc biệt chú trọng. Công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo nguyên tắc, quy định của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát đã được thực hiện thường xuyên, qua đó giúp cho công tác phòng ngừa các vi phạm và cũng thúc đẩy đội ngũ cán bộ của quận hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Với những thành tựu đạt được trong 20 năm qua, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập quận, Tây Hồ được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng chính là một sự ghi nhận xứng đáng nhất. Đứng trước “sức bật tuổi 20”, quận Tây Hồ sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển mới, phát huy mạnh mẽ hơn những tiềm năng, lợi thế và thành quả đã có để xây dựng và phát triển Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch văn hóa của Thủ đô.
Diện mạo đô thị của quận Tây Hồ ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Chiến Công
|
Trong 20 năm qua, có 6 sự kiện nổi bật tại quận Tây Hồ không thể không nhắc tới, đó là: Quận đã hoàn thành xử lý các vi phạm đê điều theo Quyết định 158 của Thủ tướng Chính phủ (với hàng ngàn hộ dân dọc tuyến đê phải di dời và sửa chữa nhà ở giai đoạn 1996 - 2000); GPMB xây dựng trường THPT chất lượng cao Chu Văn An giai đoạn 1999 - 2003, quận đã bố trí tái định cư cho 143 hộ dân đã sống gần 50 năm trong khuôn viên trường; Thực hiện GPMB dự án xây dựng Khu đô thị Nam Thăng Long - dự án đầu tiên ở Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài; Hoàn thành việc kè và tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây (là một công trình trọng điểm của TP) với hàng ngàn hộ dân và các cơ quan liên quan trong suốt hơn 10 năm (giai đoạn 1998 - 2010) với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng; GPMB dự án đường Vành đai II và cầu Nhật Tân - công trình trọng điểm quốc gia với gần 4.000 hộ trong diện GPMB, trong đó có 900 hộ phải tái định cư; Sự kiện giải cứu con tin (cháu bé người Nhật Bản) tại làng hoa Việt Nhật (Thụy Khuê) năm 1999 đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nội, Việt Nam. Và còn nhiều sự kiện gắn liền với những thành tựu của 20 năm xây dựng và phát triển quận. Cũng có thể nói rằng, mỗi thành tựu đạt được là biết bao sự gian nan, thử thách bản lĩnh lãnh đạo của những cán bộ Tây Hồ và TP. Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng |