Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quần thể kiến trúc tâm linh nức tiếng Đồ Sơn

Vĩnh Quân – Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quần thể kiến trúc Đình Ngọc Xuyên, Tháp Tường Long, Rặng Thị cổ xưa kia đã nức tiếng một vùng tại mảnh đất Đồ Sơn, Hải Phòng. Đến nay quần thể di tích đó đi sâu vào tiềm thức người dân trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người Hải Phòng nói riêng và du khách thập phương nói chung.

Phế tích Tháp Tường Long

Tháp Tường Long được xây dựng trên đỉnh núi Long Sơn, trong dãy núi Cửu Long - chín rồng của bán đảo Đồ Sơn, thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Lịch sử của tháp Tường Long luôn gắn liền với lịch sử kiến trúc nghệ thuật thời Lý, đặc biệt là các công trình kiến trúc về tôn giáo đạo Phật, là tiền thân của kiến trúc chùa Việt Nam và chứa đựng một kho tàng phong phú về nghệ thuật tạo hình. Tháp Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long và Tháp Tường Long ở Đồ Sơn - Hải Phòng là hai công trình Phật giáo kỳ vĩ nhất vào thời vương triều Lý (1010-1225) - thời kỳ đạo Phật phát triển mạnh và chính thức được tôn làm Quốc giáo. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo nên Tháp Tường Long đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích quốc gia - di tích khảo cổ phế tích Tháp Tường Long ngày 16/11/2005.
 
Theo sách "Đại Việt sử lược" thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là "Thấy rồng vàng hiện lên" để ghi nhớ điềm lành.

Ghi chép của sử sách nước ta về Tháp Tường Long có trong Đại Việt sử lược thời Trần “Tháp được xây dựng vào năm 1058 thời Lý (1010-1225) đời vua Lý Thánh Tông, niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058). Năm sau 1059 thì đặt tên tháp là Tường Long” và Đại Nam nhất thống chí “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao hơn trăm thước”. Các nhà nghiên cứu khẳng định về mặt phong thủy học, vị trí người xưa chọn để tạo dựng Tháp Tường Long ở Đồ Sơn là vùng đất tụ Sơn tụ Thủy. Công trình kiến trúc Phật giáo này được xây ở ngọn núi cao 126m so với mực nước biển, tháp cao hơn 45m ( 1 thước =0,45m). Với vị trí này, Tháp Tường Long được coi là ngôi tháp cao nhất so với các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
 
Trải qua thời gian hàng nghìn năm, ngày nay Tháp Tường Long tồn tại dưới dạng di tích khảo cổ học. Phế tích tháp chỉ còn nền móng tháp hình vuông, cạnh dài 7,86m; lòng tháp rỗng rộng có diện tích 9m2. Những viên gạch xây tháp được tìm thấy có bề mặt mịn, được nung chín đều. Trên mặt gạch có khoét lõm độ sâu vừa phải khung hình chữ nhật in nổi hai hàng chữ Hán “ Lý gia đệ tam đế, Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.

Vào năm 2010, được sự quan tâm của Ban chỉ đạo nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho phép công trình tháp Tường Long được phỏng dựng để chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tháp Tường Long đã được phỏng dựng lại có hình vuông với 9 tầng, cao 37,14m; vỏ tháp được xây bằng gạch gốm, cách trang trí mang nét đặc trưng thời Lý với các hoa văn, họa tiết rất tinh xảo và mềm mại. Trong tầng tháp, tượng Phật A Di Đà được phỏng dựng bằng ngọc nguyên khối theo mẫu tượng chùa Phật Tích - Bắc Ninh.
Tháp Tường Long Đồ Sơn được khánh thành vào ngày 19 tháng 11 năm 2017 ( tức ngày 02 tháng 10 năm Đinh Dậu). Hàng năm, tháp Tường Long đón hàng vạn lượt du khách về tham quan và chiêm bái. Việc phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long Đồ Sơn - ngôi tháp cổ gần nghìn năm tuổi là hoạt động nhằm tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cho hậu thế những di sản của tiền nhân; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở trong và ngoài nước.

Rặng thị cổ hàng nghìn năm tuổi

Dưới chân núi Ngọc là rặng thị cổ với tuổi đời từ vài trăm năm đến gần nghìn năm tuổi. Đây là quần thể rặng thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
 
Hiện còn lại 17 cây di sản có tuổi đời tới 800 năm với các tên gọi như cây Thị Bài, Thị Khe, Thị Bà Vải, Thị Gồ... Sở dĩ, có tên gọi như vậy bởi rặng thị được dân làng xưa dựa vào đặc điểm của từng gốc cây mà đặt thành. Thị Bảy chồi với bộ rễ cây chồi lên mặt đất, gốc cây mọc ra 7 chồi, dưới gốc cây có hầm chứa khoảng 10 người. Thị Khe, do mọc bên khe suối, thân cây lại rỗng có thể chứa được 2 người nên dân làng mới đặt tên là vậy. Còn Thị Hồng bởi ruột quả có màu hồng rất khác lạ…

Đình Ngọc Xuyên – ngôi đình cổ

Đây là ngôi đình được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 thờ vị thần Điểm tước. Đình xưa có 9 nóc, làm bằng gỗ chò chỉ, quế thơm, mái lợp ngói ta. Đây là ngôi đình cổ duy nhất của tổng Đồ Sơn xưa còn lại đến ngày nay.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn từ khi ra đời đến nay đều đưa phần lễ tế thần Điểm tước là phần quan trọng nhất. Cũng tại đây có duy nhất 5 làng là Đồ Hải, Nam, Đoài, Ngọc Xuyên là thờ chung một vị thần.

Tục truyền có 12 vị tiên công tìm đến Đồ Sơn để lập nghiệp. Sáu vị chuyên sống bằng nông khi thấy đất đai vùng này không trồng trọt được nên đã bỏ đi, còn lại 6 vị chài lưới thì hết sức vui mừng và ở lại. Khi “ Bát vạn chài” ra đời, người dân Đồ Sơn muốn tìm một vị linh thần để tôn vinh làm thành hoàng bảo hộ cho người dân được yên ổn làm ăn. Sáu vị tiên công đã họp bàn với các già làng, trưởng họ các vị chức sắc làm lễ tế cáo trời đất, dâng sớ nguyện cầu. Dân làng đã thống nhất vị thần nào được Ngọc Hoàng thượng đế cho xuống hưởng lộc dân dâng cúng thì vị thần đó sẽ làm Thành hoàng đất Đồ Sơn. Mâm cỗ yến đặt trên sập tế lộ thiên, qua một đêm chỉ thấy lưu lại những dấu vết “chân chim” ( tức Điểm tước) trên các đò cúng dâng sớ cầu dân nguyện. Từ đó thần “ Điểm tước” được tôn vinh là thần chủ bán đảo Đồ Sơn.

Nằm dưới chân núi Tháp đình Ngọc thờ vị thần đã được triều đại phong kiến xưa kia sắc phong là: “Thượng Đẳng thần” thờ vị thần cao nhất. Bài vị thờ thần được đặt trang trọng trong hậu cung ( có thể xác định hậu cung xây dựng từ năm 1875).

Quần thể kiến trúc linh thiêng ấy là nơi hội tụ của đất trời đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.