Quảng Bình: Rừng trâm bầu gần 500 năm tuổi, “báu vật” của làng biển

Bùi Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua bao thế hệ, rừng trâm bầu cổ thụ đã bao bọc làng Thanh Bình (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), giúp người dân nơi đây có cuộc sống yên bình, ấm no trước sóng to, gió lớn của biển cả.

Gần 500 năm giữ làng Thanh Bình

Những ngày đầu tháng 3/2022, chúng tôi có dịp về thăm làng Thanh Bình, xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để mục sở thị rừng trâm bầu, được người dân nơi đây xem là “báu vật” của làng.

Quả trầm bầu có màu tím, vị ngọt mát, hơi chan chát
Quả trầm bầu có màu tím, vị ngọt mát, hơi chan chát

Cùng với sự khó khăn bao đời nay của cư dân sống dọc bên bờ biển trên dải đất miền Trung, người dân làng Thanh Bình luôn gắn liền với nắng nóng, gió Lào bỏng rát, hàng năm phải gánh chịu nhiều cơn bão và vô số dạng thời tiết cực đoan. Song, bên rừng trâm bầu cổ thụ, họ đã được chở che, yên bình, ấm no.

Được biết, trâm bầu là loại cây mọc hoang phổ biến ở nước ta, cây có sức sống dẻo dai và phát triển rất nhanh. Người dân thường sử dụng cây, lá, hạt làm vị thuốc dân gian để trị sán, giun, sốt rét rừng, đau bụng, tiêu chảy... Quả trâm bầu có vị ngọt, mát, hơi chan chát, là món ăn khoái khẩu của đám trẻ làng, nhiều người còn hái về ngâm rượu uống như một vị thuốc bổ.

Các bậc cao niên của làng Thanh Bình kể, rừng trâm bầu nơi đây không biết có từ bao giờ. Theo sử sách ghi chép lại, cụ tổ của làng là ông Dương Phúc Thái - Trung Lang Thần của đội quân tại Hải Dương, sung quân vào phía Bắc sông Gianh thuộc thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, cụ Dương Phúc Thái đã dẫn toàn bộ con cháu và một số họ khác vào đây lập làng thì rừng trâm bầu đã có từ trước đó rồi.

Thấy khu vực này có địa thế đẹp, sau lưng là biển, trước mặt là đồng bằng, lại có rừng trâm bầu che chắn, cụ đã chọn làm nơi sinh sống. Và từ đấy, nối tiếp bao thế hệ người dân làng Thanh Bình luôn giữ gìn và bảo vệ rừng trong suốt gần 500 năm qua.

Một góc rừng trâm bầu làng Thanh Bình
Một góc rừng trâm bầu làng Thanh Bình

Cho đến nay, “lá phổi xanh” của làng Thanh Bình ấy đã phát triển và trải dài trên 4km bên bờ biển, với diện tích khoảng chừng 150 ha, cùng những bộ rễ đâm sâu vào lòng đất. Rừng trâm bầu còn là nơi có thảm thực vật vô cùng phong phú, đang trở thành vương quốc của các loài chim như sáo, chào mào, cu gáy, chim ưng… và hàng loạt loài bò sát lưỡng cư đang sinh trưởng, phát triển.

Cũng theo người dân nơi đây, trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, rừng trâm bầu của làng Thanh Bình cũng trở thành "lá chắn" cho du kích ẩn náu, góp phần làm nên những chiến công hiển hách của quân và dân ta.

Nhiều thập kỷ bảo vệ “báu vật” của làng

Trước những giá trị mà rừng trâm bầu mang lại, từ năm 1959, làng Thanh Bình chính thức thành lập đội bảo vệ rừng với 11 người. Từ đó cho đến nay, thù lao của lực lượng này được chi trả bằng lúa, do hợp tác xã nông nghiệp chủ trì. Đến nay, thành viên của đội bảo vệ ấy đa phần đã về tuổi xế chiều, nhưng họ vẫn hăng say, bền bỉ và trách nhiệm suốt nhiều thập kỷ qua.

Để biết thêm về rừng trâm bầu, chúng tôi tìm về gia đình ông Dương Minh Huy (SN 1960 - Đội trưởng đội bảo vệ rừng trâm bầu) để nghe ông kể về quá trình gìn giữ  “báu vật” của làng.

Bên ấm trà xanh, ông Huy cho biết, từ khi xuất ngũ trở về xây dựng quê hương, được người dân và chính quyền tín nhiệm giao cho việc bảo vệ, gìn giữ rừng, đến nay đã gần 38 năm. Rừng trâm bầu được xem như tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho làng biển này. Vì thế, việc giữ rừng dường như đã thường trực trong ý thức mỗi người và được truyền từ xa xưa tới nay. 

Ông Dương Minh Huy, người gắn bó hơn 38 năm bảo vệ rừng trâm bầu.
Ông Dương Minh Huy, người gắn bó hơn 38 năm bảo vệ rừng trâm bầu.

“Ngày trước, bảo vệ rừng là công việc khá nguy hiểm, do người dân thường dùng bếp củi để nấu nướng nên nạn chặt phá rừng xảy ra thường xuyên, nhiều hôm vì bảo vệ rừng nên chúng tôi đã xảy ra đụng độ, xô xát với người dân. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi còn được trang bị cả súng trường, tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng cả ngày lẫn đêm. Ngày nay, đa phần người dân đều chuyển sang dùng bếp ga và ý thức gìn giữ nên nạn chặt phá rừng trâm bầu đã không còn nữa” - ông Huy kể.

Tuy tuổi đã khá cao nhưng nói về việc nghỉ làm bảo vệ, ông Huy chia sẻ: "Tôi làm bảo vệ rừng ngót cũng hơn nửa đời người rồi. Rảo bước dưới tán cây trâm bầu cho tôi cảm giác thảnh thơi, thư thái. Tôi làm đến khi nào chân run, đầu gối chùng khi leo đồi cát thì tôi sẽ nghỉ."

Những ngày này, tuy việc bảo vệ rừng trâm bầu không còn phức tạp như trước, nhưng do đặc thù là vùng đồi cát nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.

Cùng với thù lao chỉ có 8 tạ thóc/người/năm, do người dân trong làng cùng chắt chiu, đóng góp nhưng những người giữ rừng ở đây vẫn luôn dẻo dai và trách nhiệm với công việc.

Nhằm ghi nhận công lao và khích lệ tinh thần, 11 thành viên trong đội bảo vệ rừng trâm bầu đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trao tặng Bằng khen trong việc giữ rừng ven biển.

Nhờ có rừng trâm bầu mà nguồn nước giếng làng luôn tươi mát và không bao giờ cạn
Nhờ có rừng trâm bầu mà nguồn nước giếng làng luôn tươi mát và không bao giờ cạn

Trưởng thôn Thanh Bình Dương Bình Sơn cho biết: “Với người dân Thanh Bình công cuộc giữ rừng là cả làng cùng giữ, rừng là của chung, là tài sản của làng nên ai cũng có trách nhiệm. Còn những người vô ý thức, lỡ xâm hại rừng sẽ bị đưa lên loa truyền thanh của thôn, phạt cảnh cáo với số tiền 50.000 – 100.000 đồng nhằm răn đe để không tái phạm nữa.”

Với những sắc thái riêng biệt và độc đáo, rừng trâm bầu được bao thế hệ người dân làng Thanh Bình xem như “báu vật”, luôn bảo vệ, giữ gìn như một cách tri ân những gì thiên nhiên đã ban tặng, bày tỏ lòng tôn kính với các bậc tiền nhân đi khai hoang, mở đất.