Bước ngoặt sau đại dịch Covid - 19
Vẫn như thường ngày, một buổi sáng giữa tháng 2/2023, anh Lê Hữu Như Ý (xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đang tất bật chuẩn bị thức ăn cho đàn dúi gần 400 con. Khu chuồng trại của anh gồm 2 dãy nhà kiên cố, rộng hơn 200m2, nằm trong vườn cây xanh mát.
Vốn quê gốc ở Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp THPT rồi lên TP Đà Nẵng làm nghề dịch vụ du lịch, tại đây, anh Ý quen và kết hôn với một cô gái người Quảng Bình. Cuộc sống hôn nhân chưa kịp ổn định, hai vợ chồng đều thất nghiệp do đại dịch Covid - 19. Năm 2020, vợ chồng anh bàn với nhau về quê vợ sinh sống.
Những ngày đầu chuyển về vùng đất mới, anh trăn trở không biết làm việc gì để phát triển kinh tế khi mà quê vợ thuộc vùng núi xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Quảng Bình. Trong một lần tình cờ lên mạng Internet, anh biết đến mô hình nuôi dúi. Nhận thấy dúi dễ nuôi lại có cơ hội để phát triển kinh tế nên anh quyết định mua về nuôi thử.
Nghĩ là làm, ban đầu anh mua con giống của người dân trên địa bàn săn bắt được, với dự định nuôi giống dúi tự nhiên thuần chủng. Nhưng sau một thời gian, nhận thấy dúi tự nhiên vốn khó thích nghi với môi trường nuôi nhốt, chậm lớn và hao hụt dần.
Bước đầu thất bại nhưng anh Ý vẫn quyết tâm mày mò, tìm hiểu để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó, anh biết thức ăn cho dúi như: tre, nứa, mía không được quá non hoặc quá già. Đặc biệt loài vật này kỵ nước, không ưa ánh sáng và nhiệt độ cao.
Khi đã đủ tự tin, anh Ý quyết định ra Thanh Hóa mua 8 cặp dúi mốc, giống dúi thương phẩm về nuôi. Thời điểm đó, nhiều người đã can ngăn anh và không tin con vật nhỏ bé này có thể tạo ra thu nhập. Bỏ ngoài tai những lời điều tiếng, suốt gần một năm "ăn dúi, ngủ dúi", anh đã dần khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng. Cứ như vậy, anh vừa nuôi, vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm, đàn dúi của anh cứ thế lớn nhanh và xuất chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Dúi là loài động vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý dúi có tập tính ngủ ngày, ăn đêm nên chuồng trại cần được đảm bảo thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp và gió lùa ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của dúi”, anh Ý chia sẻ.
Đổi đời nhờ nuôi dúi
Nhận thấy có thể vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi dúi, anh Lê Hữu Như Ý mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng để tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng trại. Có thời điểm, số lượng đàn dúi lên đến 700 - 800 con.
Hiện tại, trang trại của anh chủ yếu nuôi dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và sinh sản hiệu quả.
Mỗi năm dúi mẹ đẻ khoảng 3 lứa, mỗi lứa khoảng 2 - 4 con. Sau khi dúi được sinh khoảng 45 - 50 ngày sẽ xuất bán theo giống cặp. Hiện, dúi giống trọng lượng từ 200 - 400g/con, anh Ý bán ra thị trường với giá 800.000 - 1.000.000đồng/cặp. Còn những cặp dúi giống lớn hơn anh bán từ 2 - 4 triệu đồng/cặp. Riêng đối với dúi thương phẩm, mỗi con dúi trưởng thành có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng 3 - 4kg, trung bình mỗi kg dúi thịt có giá khoảng 550.000 đồng.
Nguồn dúi thịt của gia đình anh được khách hàng từ các tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành phía Nam ưa chuộng và luôn tìm về mua hết. Mỗi năm, trại nuôi dúi của anh thu lãi trên 300 triệu đồng, đưa đời sống gia đình anh dần vơi bớt khó khăn, từng bước phát triển, làm giàu.
"Tôi thấy nuôi dúi cũng không quá khó, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, đầu ra hiện cũng rất dễ. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để tăng số lượng đàn và đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình", anh Ý nói.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa Nguyễn Quyết Tiến cho biết, nhận thấy mô hình nuôi dúi là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Xã Sơn Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện cho trang trại của anh Ý và nhiều người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi dúi, từng bước nâng cao thu nhập.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, Tuyên Hóa là huyện miền núi có khí hậu và địa hình thích hợp để loài dúi sinh trưởng và phát triển tốt, không chỉ trong môi trường nuôi nhốt mà ngoài tự nhiên dúi cũng có rất nhiều.
“Hiện nay, trên địa bàn đã có rất nhiều mô hình chăn nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế tại các xã như Thuận Hóa, Thanh Hóa, Thanh Lạng, Sơn Hóa… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến nhân rộng mô hình chăn nuôi dúi để nhiều người dân biết đến, có hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt là hỗ trợ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận mô hình này”, ông Đinh Xuân Thương thông tin.