Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Bình: Vị lương y tận tâm với dân bản vùng biên giới

Bùi Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đến xã Trường Sơn, mới thấu hiểu được tấm lòng của người làm công tác y tế như bác sĩ Hồ Puôn - một vị lương y đang ngày đêm tận tâm với nghề, chăm lo sức khỏe cho đồng bào vùng biên giới tỉnh Quảng Bình.

Chinh phục ước mơ vì cộng đồng

Những ngày cắp sách tới trường, chứng kiến cảnh người dân chưa được tiếp cận tốt việc chăm sóc sức khoẻ khoa học, vẫn còn tin vào nhiều hủ tục tâm linh mỗi lần đau ốm. Với quyết tâm học để thoát nghèo, mang kiến thức về giúp dân bản, anh Hồ Puôn (SN 1977, người Bru - Vân Kiều) đã thành công chinh phục ước mơ, trở thành thầy thuốc của đồng bào vùng biên giới.

Bác sĩ Hồ Puôn thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Bác sĩ Hồ Puôn thăm khám cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Về xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) những ngày này, nhắc đến bác sĩ Hồ Puôn người dân nơi đây ai trân quý. Anh nổi tiếng là một lương y luôn tận tâm, tận tụy với nghề, Trưởng Trạm Y tế xã luôn được người dân, đồng nghiệp yêu mến và kính trọng.

Kể về hành trình chinh phục ước mơ của mình, Hồ Puôn cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình nghèo, cuộc sống khó khăn nhưng thấu hiểu được tầm quan trọng của tri thức. Sau khi nhận được sự động viên của bố mẹ, anh đã quyết tâm tìm đến "con chữ" để đưa bản thân và dân bản thoát nghèo, được tiếp cận với khoa học hiện đại.

"Cái thời mình đi học, nghèo đói lắm, nhà khó khăn, mỗi ngày đi bộ cả chục km đường rừng để tới trường. Không hiểu sao dù khó nhưng mình vẫn muốn học. Lúc đầu đi học chỉ nghĩ việc có con chữ để thoát nghèo cho mình nhưng thấy dân bản còn nghèo quá cũng muốn học để về giúp đồng bào mình”  - Hồ Puôn nói.

Năm 1992, học xong lớp 5, cả xã vùng biên này chỉ có mình Hồ Puôn khăn gói xuống trường dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình để tiếp tục tìm con chữ. Sau khi tốt nghiệp xong cấp 3, Hồ Puôn được cử tuyển vào ngành lâm nghiệp. Nhưng chỉ học mới gần 1 năm, thấy bản thân không phù hợp nên đã bỏ ngang, chuyển hướng chinh phục nghề bác sĩ.

Cơ duyên đến với nghề cũng khá tình cờ, sau nhiều lần chứng kiến cảnh người dân trong bản lâm bệnh, việc tiếp cận với y học thời bấy giờ nơi đây vẫn còn nhiều hạn chế. Lắm lúc, người dân phải cầu cạnh đến tâm linh, nhưng bệnh càng trở nặng, có nhiều trường hợp tử vong vì không được cứu chữa kịp thời. Hồ Puôn quyết tâm học tập để trở thành bác sĩ, đem kiến thức, kỹ năng của nghề về khám, chữa bệnh cho bà con một cách khoa học. Thế rồi, sau bao nhiêu quyết tâm, ước mơ của chàng trai trẻ đã trở thành hiện thực, nhận được kết quả trúng tuyến Đại Học Y Thái Nguyên. Chàng trai ấy quyết tâm rời bản nghèo vùng biên để chinh phục ước mơ.

Thực hiện lời hứa với bản làng

Trải qua 7 năm đèn sách, năm 2008 chàng trai người Vân Kiều - Hồ Puôn đã hoàn thành khóa học để trở thành bác sĩ Đa khoa, được cử về công tác tại Phòng y tế huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Tuy đã được làm công việc cứu giúp người bệnh nhưng Hồ Puôn vẫn luôn đau đáu lời hứa với bản làng

Mặc dù công tác ở trung tâm huyện nhưng bác sĩ Hồ Puôn vẫn thường xuyên vượt hơn 50km về nhà vào những ngày cuối tuần. Anh về nhà không phải để nghỉ ngơi mà tranh thủ đi thăm khám, chữa bệnh cho bà con dân bản. Anh đến từng nhà hỏi thăm động viên và thường xuyên khuyên bà con dân bản mỗi khi đau ốm nên đến trạm y tế để khám bệnh chứ không nên tin vào việc cúng bái của thầy mo.

Năm 2015, nguyện vọng được về công tác tại Trạm Y tế xã Trường Sơn của anh đã được cấp trên xét duyệt. Từ đó, đồng bào nơi đây đã quen thuộc với hình ảnh bác sĩ người Bru - Vân Kiều tận tình với người bệnh.

"Về công tác ở huyện thì cũng là cứu giúp bệnh nhân cả. Nhưng tôi xin "ích kỷ" để về với bản làng, nơi mà tôi muốn cống hiến từ những ngày bắt đầu đi học. Từ ngày về đây công tác cùng các đồng nghiệp, nhìn thấy sự đổi thay trong đời sống và suy nghĩ của người dân tôi rất vui" - Hồ Puôn chia sẻ.

Với y, bác sĩ vùng biên giới, dù khó khăn, cách trở nhưng họ vẫn tận tâm, tận tụy với nghề, hết mình chăm lo cho dân bản.
Với y, bác sĩ vùng biên giới, dù khó khăn, cách trở nhưng họ vẫn tận tâm, tận tụy với nghề, hết mình chăm lo cho dân bản.

Nói về những ngày tháng gắn bó với công tác khám, chữa bệnh cho đồng bào, bác sĩ Hồ Puôn cho hay, khó khăn nhất của anh và các cán bộ của trạm là địa hình cách trở. Để khám định kỳ cho bà con, anh và đồng nghiệp phải vượt hàng chục km đường bộ, đặc biệt là hành trình vào bản Dốc Mây. Bản làng này tách biệt với bên ngoài, chưa có đường giao thông. Muốn vào bản phải đi bộ, lội suối, luồn hơn 20 km đường rừng vô cùng hiểm trở.

Trước đây, vì dân trí còn thấp nên người dân cho rằng nguyên nhân của bệnh tật là do: thư, ma thuốc độc, ma rừng... và dùng các cách chữa trị dân gian như: cúng, thổi... nên không thể khỏi, bệnh còn trở nặng. Nhưng nhờ sự quan tâm của chính quyền, bộ đội biên phòng cùng lực lượng y tế trong việc nâng cao dân trí và chủ động tiếp cận người dân để chăm sóc y tế nên người dân ngày càng tin tưởng vào cách chữa bệnh hiện đại, dần xóa bỏ những hủ tục.

Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết, bác sĩ Hồ Puôn là con em đồng bào Vân Kiều đầu tiên của huyện Quảng Ninh đạt trình độ bác sĩ và là người có tư tưởng tiến bộ. Chính quyền xã Trường Sơn hết sức ghi nhận những đóng góp, tâm huyết của bác sĩ Hồ Puôn trong thời gian qua, anh luôn tận tình, cần mẫn với công việc, hết lòng vì người dân nơi đây.