Quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo với thử nghiệm lâm sàng Viện Dinh dưỡng: Cục ATTP nói gì?
Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đề nghị Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý việc quảng cáo có nội dung báo cáo thử nghiệm lâm sàng của các sản phẩm Nestlé Milo.
Thời gian vừa qua, Cục ATTP nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí về việc các sản phẩm Nestlé Milo có nội dung quảng cáo liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, Cục ATTP đã ban hành công văn số 1030/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế Đồng Nai đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý việc quảng cáo sản phẩm này theo quy định hiện hành.
Đồng thời, Cục đã ban hành công văn số 1031/ATTP-NĐTT ngày 16/5/2025 đề nghị Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm này để bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 9/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. Ảnh: VTV
Cục ATTP nhấn mạnh, việc sử dụng thông tin từ các nghiên cứu, báo cáo chuyên môn trong quảng cáo thực phẩm phải được thẩm định và tuân thủ đầy đủ các quy định, tránh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, Cục ATTP sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nghiêm theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, Bộ Công an công bố đã triệt phá đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn với 573 nhãn hiệu sữa, doanh thu gần 500 tỷ đồng gây chấn động dư luận. Hàng loạt nghi vấn được đặt ra về việc tự công bố chất lượng sản phẩm, trách nhiệm quản lý, có hay không lỗ hổng pháp lý?...
Đề cập đến vấn đề này, Bộ Y tế thừa nhận, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Như vậy, việc làm trên là vi phạm quy định của pháp luật.
Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện, viện, trường đại học, cao đẳng y, dược, hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm.

Cục ATTP yêu cầu thu hồi 12 sản phẩm sữa giả
Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhận được công văn số 1095/VPCQCSĐT- P3 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị phối hợp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, phát hiện hành vi phạm pháp luật.

Cục ATTP cảnh báo không nên dùng 2 sản phẩm thực phẩm chức năng cho trẻ
Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã phát thông tin cảnh báo liên quan đến sản phẩm do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech sản xuất.

BTV Quang Minh, MC Vân Hugo vi phạm quảng cáo bị phạt hơn 100 triệu đồng: Cục ATTP lên tiếng
Kinhtedothi - Ngày 6/5, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, đơn vị đã phối hợp với Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ VHTT&DL) xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo đối với người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.