Tràn lan thực phẩm chức năng
Những ngày qua, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế liên tiếp phát đi cảnh báo về những thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Gần đây nhất là những sản phẩm như Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại kiện can và Likigold, viên khớp Đại Việt, RES-1000, Mr Sun, NANO FAST… được quảng cáo trên một số website và trang mạng xã hội.
Cảnh báo từ Cục ATTP cho thấy, các website và trang mạng xã hội quảng cáo cho các sản phẩm nêu trên đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo, quảng cáo không đúng công dụng, bản chất của sản phẩm, gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. "Ðây là hành vi vi phạm đạo đức và bị pháp luật nghiêm cấm nhưng hiện vẫn đang lan tràn ngày càng nhiều, hình thức rất tinh vi, qua đó gây tổn hại cho người tiêu dùng, gây bức xúc, dư luận xấu trong xã hội" - Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nói.
Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, đã không ít người vì tin vào quảng cáo, tư vấn trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc, dược phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đơn cử, ông Đinh Văn Tăng (69 tuổi, phường Dương Nội, quận Hà Đông) cho biết: “Tôi bị thoái hóa khớp gối đã 10 năm nay, thấy một số loại TPCN được quảng cáo có tác dụng trị thoái hóa khớp gối rất thần kỳ (chỉ cần uống một hộp hoặc một vài viên đã có tác dụng) nên đã mua về sử dụng. Thế nhưng, uống mãi cũng không thấy tác dụng như quảng cáo”.
Cẩn trọng với chiêu trò tinh vi
Mặc dù chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu với Covid-19, nhưng một số loại TPCN lại quảng cáo tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Thậm chí, để nâng cao uy tín cho sản phẩm, có những đơn vị quảng cáo đã “mượn” hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay bệnh viện (BV), nghệ sĩ có danh tiếng để tư vấn, quảng cáo sản phẩm cho họ.
Facebook đối tượng giả danh bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư để lừa đảo bán khẩu trang, thuốc chữa Covid-19. |
Gần đây nhất, BV Nhi T.Ư có thông báo về việc trên các trang mạng xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch Covid-19, đã mạo danh BV để tư vấn, bán thuốc, TPCN, men vi sinh, khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn nhằm trục lợi, lừa đảo người bệnh. Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho biết, qua xác minh, BV phát hiện có một số đối tượng đã mạo danh cán bộ nhân viên của BV trong thời gian dài, nhằm lợi dụng lòng tin của nhiều khách hàng.
“BV đề nghị người dân, người nhà bệnh nhân cần kiểm chứng thông tin trước khi mua hàng để tránh bị lợi dụng, mua và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng từ những đối tượng này. Chúng tôi cũng khuyến cáo, khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe cần đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp. Nếu phát hiện có đối tượng mạo danh BV để lừa đảo, người dân hãy thông báo qua tin nhắn facebook của BV hoặc gọi điện trực tiếp qua số điện thoại Hotline: 037 2884712”- Phó Giám đốc BV Nhi khuyến cáo.
Trước đó, trên website chính thức của Viện Dinh dưỡng cũng từng đưa ra cảnh báo về việc trên mạng xã hội mạo danh tên Viện, sử dụng logo, hình ảnh các bác sĩ tại Viện để bán các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.
TS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng khẳng định: "Viện không có bất cứ trang Facebook hay Fanpage nào quảng cáo hay bán các sản phẩm dinh dưỡng. Các bác sĩ của Viện cũng không bao giờ gọi điện để tư vấn và bán sản phẩm dinh dưỡng cho bất kỳ ai".
Các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP cũng lưu ý người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là quyền khiếu nại, trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng cần biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm. Nâng cao nhận thức và rèn thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP. Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng...