Quảng Nam bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/10, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách trở lại.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp với đến ngành du lịch địa phương, nhất là năm 2021. Trong 9 tháng năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Nam giảm mạnh, chỉ đạt trên 300.000 lượt khách, giảm trên 77% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm gần 95% so với cùng kỳ năm 2019. Thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỷ đồng.
Du khách tham quan phố cổ Hội An Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Thùy Dương
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hồng, riêng ngành du lịch đã được địa phương ban hành nhiều cơ chế để phục hồi và phát triển, trong đó có Nghị quyết số 13 về phát triển thương mại du lịch Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Về lộ trình khôi phục hoạt động du lịch, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết có 4 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 - cuối tháng 10/2021, khi tất cả lao động ngành du lịch được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày. Trước mắt tập trung đón nguồn khách du lịch (cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam) trong tỉnh và các địa phương liền kề.
Giai đoạn 2, từ đầu tháng 12/2021, khi tất cả lao động ngành du lịch được tiêm đủ 2 mũi vaccine sau 14 ngày. Giai đoạn này thí điểm đón khách du lịch (cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam) tại các tỉnh, TP trên cả nước theo mô hình “bong bóng du lịch”.
Giai đoạn 3 - từ đầu tháng 1/2022 sẽ mở rộng đón khách (cư trú tại vùng xanh, vùng vàng và vùng cam) tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… Khách có thể lựa chọn hình thức đi theo tour trọn gói, khép kín của các công ty lữ hành tổ chức hoặc khách đi lẻ tự chọn dịch vụ gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch…
Giai đoạn 4 - ngay khi Quảng Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép đón khách quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Để thích ứng với giai đoạn “bình thường mới”, doanh nghiệp du lịch cần chuyển đổi hoạt động theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, trước mắt thực hiện chuyển đổi số để góp phần đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế số. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch chuẩn bị giải pháp ứng phó khi xảy ra các tình huống của dịch Covid-19 như tập huấn cho nhân viên, chuẩn bị các phương tiện, thiết bị, khu vực cách ly…”.