Quảng Nam: chính quyền tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản

Quang Hải - Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần lớn các dự án bất động sản (BĐS) tại Quảng Nam đều đang gặp bế tắc do nút thắt về mặt pháp lý, khiến thị trường thanh khoản chậm.

Thị xã Điện Bàn - tâm điểm của đất dự án

Giai đoạn 2015 – 2019, thị trường BĐS tại Quảng Nam chứng kiến hiện tượng “sốt đất”. Hàng chục dự án lớn nhỏ được ra mắt với mức thanh khoản ấn tượng kèm biên độ tăng giá chóng mặt. Các nhà đầu tư trên khắp cả nước chọn Quảng Nam làm tâm điểm để xuống tiền với hy vọng “đổi đời”. Chưa kể, người dân địa phương cũng bị cuốn vào xoáy của thị trường, bỏ công ăn việc làm ổn định để đi “cò đất”.

Thị xã Điện Bàn được xem là khu vực có nhiều dự án BĐS được ra mắt thị trường nhất. Các dự án mọc lên như nấm, lực lượng môi giới khuấy đảo thị trường để tạo ra những làn sóng giao dịch “thật ảo lẫn lộn”. Đương nhiên đây là giai đoạn không phải ai cũng am hiểu về thị trường, nắm bắt được quy trình pháp lý trong câu chuyện mua bán BĐS. Vì vậy, việc giao dịch một sản phẩm BĐS trở nên đơn giản, nhanh chóng nhưng chứa đựng nhiều rủi ro.

Nhiều dự án BĐS tại Quảng Nam gặp khó trong việc giải phóng mặt. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.
Nhiều dự án BĐS tại Quảng Nam gặp khó trong việc giải phóng mặt. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm.

Theo thống kê, thị xã Điện Bàn là địa phương có nhiều dự án BĐS nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong giai đoạn 2016 – 2021, địa phương này có đến khoảng 130 dự án được phê duyệt, cấp phép, bao gồm 83 dự án trong Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, 20 dự án ngoài đô thị và 27 dự án ven biển.

Chính việc phát triển “nóng” đã dẫn đến thị trường mất kiểm soát. Một số chủ đầu tư, doanh nghiệp phân phối tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật. Việc quảng cáo, rao bán sản phẩm của dự án cũng chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

Kinh nghiệm 10 năm môi giới tại Quảng Nam, anh Nguyễn Quốc Huy nhìn nhận thị trường BĐS tại Điện Bàn còn nhiều thách thức do các dự án vướng mắc nhiều đến pháp lý, thậm chí kiện tụng. Hiện có hàng nghìn khách hàng thực hiện việc giao dịch nhưng không đảm bảo quyền lợi, thậm chí dự án không thể tiếp tục triển khai hạ tầng và chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Do đó việc cấp sổ đỏ cho khách hàng trở nên gian nan.

“Nhiều khách hàng thời điểm giao dịch thậm chí không biết chính xác lô đất của mình nằm ở đâu. Đến khi cảm thấy có lời thì nhanh chóng ra hàng nên các thủ tục về mặt pháp lý tương đổi lỏng lẻo” – anh Huy cho biết.

Chính quyền vào cuộc tháo gỡ khó khăn

Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 30 dự án BĐS triển khai chậm hoặc gặp các vướng mắc vè thủ tục pháp lý. Tháng 5/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã phải thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho các dự án và doanh nghiệp BĐS. Lãnh đạo UBND tỉnh còn tổ chức gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực BĐS, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn nhằm đưa ra phương hướng giải quyết.

Thực tế, phần lớn các dự án chậm triển khai không chỉ một lý do vướng giải phóng mặt bằng mà còn nhiều nguyên nhân khác như cơ chế, chính sách, quy định pháp luật… Chưa kể, việc quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, kiểm soát các giao dịch ảo, hiện tượng "thổi giá" cũng còn nhiều bất cập.

Một số dự án BĐS ở Quảng Nam đã hoàn thành cơ bản hạ tầng nhưng cũng không thể ra sổ cho khách hàng.
Một số dự án BĐS ở Quảng Nam đã hoàn thành cơ bản hạ tầng nhưng cũng không thể ra sổ cho khách hàng.

Thời gian qua, thị xã Điện Bàn cũng trở thành tâm điểm khi nhiều chủ đầu tư dự án không thể thực hiện đúng cam kết tiến độ dẫn đến tranh chấp với hàng nghìn khách hàng. Trong đó phần lớn các dự án đều thuộc diện bán “lúa non”.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, công tác giải phóng mặt được xem là khâu quan trọng khi triển khai các dự án BĐS, bởi nó liên quan đến giá đất và thu tiền sử dụng đất. “Chủ trương của thị xã Điện Bàn là rà soát chi tiết từng dự án. Mục tiêu phải làm sao để có phương án cụ thể về công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch. Nếu cần thiết có thể tính toán đến phương án chỉnh trang, đầu tư thêm hạ tầng thiết yếu” – ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, thời gian qua chính quyền địa phương và doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực BĐS đã tổ chức gặp mặt, trao đổi để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Điện Bàn đã chủ động phân chia các nhóm dự án để có phương án cụ thể nhằm giải quyết cụ thể từng hạng mục. Trong đó chia thành 3 nhóm dự án với các cấp độ khác nhau. Trong phạm vi của thị xã Điện Bàn thì chủ động thực hiện, còn không sẽ báo cáo lên tỉnh để tìm hướng giải quyết.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tìm cách gỡ khó cho thị trường BĐS thời gian qua. Tuy nhiên, việc phần lớn các dự án gặp rắc rối về mặt thủ tục trong khoảng thời gian dài, thậm chí dẫn đến kiện tụng càng khiến cho mọi chuyện trở nên khó khăn. Đương nhiên, khách hàng là những người chịu thiệt hại nhất nếu những giải pháp đưa ra không thể hoàn thành trong thời gian ngắn.