70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Nam chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Quang Hải - Tấn Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng vừa ký ban hành Công điện số 07/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão.

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hồi 13 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Biển Hội An sạt lở (ảnh minh họa).
Biển Hội An sạt lở (ảnh minh họa).

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Bộ nối với xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên biển Đông nên từ ngày 18/9 đến ngày 20/9 các địa phương trong tỉnh có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; cường độ mưa to đến rất to tập trung chủ yếu từ đêm 18/9 đến ngày 19/9. Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 80 - 120mm, có nơi trên 150mm; các địa phương vùng núi phổ biến từ 100 - 200mm, có nơi cao hơn 250mm.

Quảng Nam đang triển khai nhiều phương án để phòng chống thiên tai, đặc biệt nơi vùng cao, có địa hình thấp, nguy cơ xảy ra sạt lở.

Mưa lớn gây ra nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân; có thể gây thiệt hại cho các công trình đang thi công, các hoạt động kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ; chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai có thể ảnh hưởng đến phạm vi quản lý của ngành, địa phương; tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.

“Chủ động phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản; tổ chức vận hành điều tiết các hồ chứa nước theo quy định; chủ động, sẵn sàng các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là tại các địa phương dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu”, trích Công điện số 07/CĐ-UBND.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình, đôn đốc các đơn vị, địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.