3 mỏ khoáng sản được chấp thuận chủ trương đầu tư
Quảng Nam đang triển khai nhiều công trình, dự án đầu tư trọng điểm nhưng tình hình vật liệu đất, cát sỏi phục vụ thi công các công trình khan hiếm. Thực tế nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu thi công, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ thực hiện các dự án.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu vật liệu để đề xuất các mỏ cần đưa ra đấu giá hoặc khoanh định không đấu giá để phục vụ công trình. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, trường hợp đảm bảo các điều kiện thì khẩn trương tham mưu UBND tỉnh để sớm cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và phục vụ các công trình.
Nhằm sớm giải quyết vấn đề, tỉnh Quảng Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư 3 mỏ đất, cát tại các huyện Tiên Phước, Thăng Bình và Hiệp Đức để san lấp, làm vật liệu xây dựng công trình với quy mô khoảng 10 ha. Cụ thể, Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến (TP Tam Kỳ) sẽ thực hiện dự án khai thác đất san lấp, xây dựng công trình tại đồi Dương Phụng (thuộc thôn 1, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, quy mô khoảng 4,2 ha.
Công ty TNHH MTV Đầu tư Xây dựng Quỳnh Dương (TP Tam Kỳ) thực hiện dự án khai thác đất san lấp, xây dựng công trình tại khu vực đồi Châu Mỹ (thuộc thôn Quý Xuân, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ đồng, quy mô khoảng 30.230 m2.
Tương tự, Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Vận tải Hoa Công (trụ sở tại huyện Hiệp Đức) được thực hiện dự án khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực bãi Bến Phà (thuộc khối phố Bình An, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1,6 tỷ đồng, quy mô hơn 5,6 ha.
Các địa phương hướng dẫn, giám sát và quản lý tình hình triển khai thực hiện dự án. Nhà đầu tư có trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, khoáng sản.
Tại huyện Đại Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê cũng đề xuất tăng công suất khai thác khoáng sản mỏ cát để đáp ứng đủ nguồn cung phục vụ xây dựng các công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn.
Khẩn trương khơi thông nguồn lực
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thừa nhận hoạt động khoáng sản trên địa bàn vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại cần được tháo gỡ. Điều này khiến các hoạt động kinh doanh, sản xuất, thi công của doanh nghiệp, người dân tại các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
UBND tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kịp thời giải ngân các nguồn vốn nhưng các thủ tục về đầu tư, môi trường, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản vẫn còn kéo dài, có một số khó khăn chậm giải quyết, tháo gỡ.
“Các ngành, địa phương phải tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tham mưu giải quyết kịp thời các hồ sơ, thủ tục để sớm đưa các mỏ vào khai thác, cung cấp vật liệu thi công các công trình. Nhưng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra sai phạm, vi phạm” – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Quảng Nam đã phân loại các điểm mỏ để giải quyết. Đối với những điểm mỏ vật liệu mà các địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cơ quan chức năng sớm hướng dẫn lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết. Riêng những điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường, cơ quan thẩm quyền khẩn trương tổ chức đấu giá. Các địa phương không được cát cứ điểm mỏ vật liệu chỉ để phục vụ riêng cho địa phương mình.
Việc đề xuất phê duyệt khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì cần khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Chỉ đạo đơn vị tư vấn khảo sát, làm rõ yêu cầu chất lượng, khối lượng vật liệu và tính pháp lý cần thể hiện đầy đủ trong hồ sơ dự án. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư để cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.