Cực tăng trưởng của miền Trung
Ngày 4/6, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 4 tỉnh thành giáp ranh gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kon Tum. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/6 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, các đại biểu có thể đóng góp cho đồ án quy hoạch theo 2 hướng. Từ nội dung đồ án, nhận thấy bộc lộ, ưu, nhược điểm và hiến kế, đề xuất những đột phá mới hơn. Dự kiến cuối năm 2022, Quảng Nam sẽ trình Thủ tướng đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý I/2023 sẽ có đồ án quy hoạch tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo tại hội thảo cho thấy, Quảng Nam có vị trí chiến lược, là điểm giao cắt giữa các địa phương miền Trung, Tây Nguyên, Lào và gần phía Đông Bắc Thái Lan. Vì vậy, vùng đất này là nơi hội tụ các hoạt động vận tải đường bộ, đường biển, rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế về du lịch, buôn bán, thương mại, sản xuất sản phẩm và cung ứng dịch vụ giữa các quốc gia, các vùng miền.
Tổng thu ngân sách ở Quảng Nam tăng nhanh qua các năm. Trong giai đoạn 2011 - 2020, tổng thu ngân sách tăng gần 4 lần, từ hơn 10.448 tỷ đồng năm 2011 lên hơn 40.768 tỷ đồng năm 2020, trong đó thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thu thuế xuất nhập khẩu là những khoản thu quan trọng nhất.
Thu ngân sách đạt cao là điều kiện thuận lợi để Quảng Nam tăng cường chi ngân sách cho đầu tư phát triển. Chi đầu tư phát triển đã tăng gấp 2 lần, từ 3.350 tỷ đồng năm 2011 lên 7.321 tỷ đồng năm 2020. Tính đến năm 2020, quy mô kinh tế Quảng Nam đạt gần 57,6 nghìn tỷ đồng. Hiện quy mô nền kinh tế của tỉnh nằm trong nhóm 20 tỉnh, TP lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 4 trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Theo quy hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam cần phát huy các lợi thế, tiềm năng vượt trội, tận dụng hiệu quả cơ hội trong và ngoài nước để trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng bên cạnh là một tỉnh công nghiệp hiện đại, một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng với Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 dự báo đạt 9,3%/năm, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 8,30%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 10,25%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 195,2 triệu đồng/người (tương đương 7.690 USD); tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% vào năm 2030; phấn đấu mức thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 45.000 tỷ đồng; đến năm 2030, thu ngân sách trên địa bàn đạt 75.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của Quảng Nam đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và đến 2050 là tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam.
Hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia
Ngoài ra, tại hội thảo lần này, các đại biểu cũng trình bày phương án phát triển ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, kinh tế, thương mại…
Trong đó, điểm nhấn là Quảng Nam sẽ tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí trong một số lĩnh vực máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp; phát triển khu phức hợp ôtô Chu Lai - Trường Hải tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, Tam Anh có quy mô ngang tầm khu vực. Đặc biệt, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực như ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp, như dệt may, da giày, hóa chất, nông nghiệp công nghệ cao… đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp.
Về vấn đề này, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) cho hay, khi đầu tư vào Quảng Nam thì giải quyết bài toán logistics là điều quan trọng. Chính vì vậy, việc đầu tiên khi doanh nghiệp sản xuất ở đây là đầu tư logistics, cảng biển và hiện đang xây dựng cảng biển đón tàu 50.000 tấn. Bài toán logistics được giải quyết thì Quảng Nam sẽ trở thành một vùng sản xuất và hình thành vùng sản xuất ô tô.