Quảng Nam làm gì với 750 tỷ đồng vốn giảm nghèo bền vững?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tổng vốn ngân sách dự kiến phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 của Quảng Nam là hơn 750,5 tỷ đỗng trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 627,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng hơn 122,7 tỷ đồng.

Ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn có buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để nghe báo cáo phương án giao vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tổng vốn ngân sách dự kiến phân bổ thực hiện chương trình năm 2023 của Quảng Nam là hơn 750,5 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách trung ương phân bổ hơn 627,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng hơn 122,7 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: T.H 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: T.H 

Tại cuộc họp, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam đề xuất phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh năm 2023 để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 1, Tiểu dự án 1 và Tiểu Dự án 3 của Dự án 4 thuộc chương trình cho các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh và các huyện nghèo là hơn 339 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đề xuất phương án phân bổ thành 2 đợt; trong đó đề xuất phân bổ đợt 1 gần 184 tỷ đồng gồm: Vốn ngân sách trung ương phân bổ 165,6 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách tỉnh hơn 18,2 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí được phân bổ trên, các sở, ngành liên quan và các địa phương sẽ thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình như: Duy tu bảo dưỡng cho 6 huyện nghèo; hỗ trợ 1 số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, theo quy định của Chính phủ, các địa phương phải hoàn thành việc phân bổ vốn trước ngày 31/3, nếu không sẽ bị thu hồi nguồn vốn. Đến thời điểm này, việc hoàn chỉnh hồ sơ và các thủ tục liên quan về phân bổ nguồn vốn của các một số đơn vị, địa phương còn chậm.

Từ thực tế trên, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị chậm tiến độ khẩn trương hoàn thành hồ sơ về phương án mua sắm, sớm gửi UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua. Các đơn vị đã hoàn thành và được phân bổ vốn cần lên kế hoạch cụ thể thực hiện các dự án, tiểu dự án, đảm bảo đứng tiến độ, đúng quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm đối với trường hợp bị điều chuyển vốn, thu hồi vốn… 

Đối với các đơn vị còn vướng mắc với nguồn vốn 2022, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu rà soát hoàn chỉnh dự án đầu tư, sớm hoàn thành dứt điểm trong việc phân rã nguồn vốn này. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao Sở LĐ-TB&XH, Sở KH&ĐT phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong hoàn thành hồ sơ phân bổ vốn, triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đúng quy định, tiến độ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần