Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Nam: Lên phương án "cứu" di tích ở phố cổ Hội An

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều di tích tại đô thị cổ Hội An bị mối, mọt tấn công và xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương lên phương án triển khai “cứu” những di tích nhiều giá trị này.

Mối, mọt đe dọa di tích
Theo ghi nhận ngày 10/3 vừa qua, hiện nay nhiều di tích lịch sử tại phố cổ Hội An đang bị mối, mọt tấn công vào các vị trí quan trọng, chịu lực của công trình như cột, kèo gỗ. Trong đó nhiều di tích có giá trị bảo tồn từ hạng 3 đến đặc biệt trong đô thị cổ bị hư hại nghiêm trọng, cần phải sửa chữa ngay.
Tại di tích Chùa Ông nằm trên đường Trần Phú, trong lần khảo sát gần nhất của các đơn vị chức năng cũng ghi nhận nhiều cột, kèo bị hư hỏng, mối, mọt tấn công.
Di tích Chùa Ông bị mối, mọt tấn công.
Ông Lê Huyễn (85 tuổi, thủ từ Chùa Ông) cho biết, Chùa được xây dựng chủ yếu từ các loại gỗ quý như lim, huỳnh đàn... nên đây là môi trường lý tưởng để mối, mọt tấn công.
“Mối mọt chủ yếu nằm dưới lòng đất, chúng men theo các vết nứt của gỗ xâm nhập lên cột rồi đục ăn sâu vào bên trong nên khó mà phát hiện ra được. Hiện Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đến kiểm tra và gắn thiết bị đặt nhử mối, mọt tại Chùa Ông để xử lý dứt điểm tình trạng trên, trả lại mỹ quan cho di tích”, ông Huyễn cho hay.
Tương tự, tại ngôi nhà số 85 đường Nguyễn Thái Học đã bị xuống cấp, chủ nhà phải chống đỡ từ trong ra ngoài. Chị Nguyễn Thị Liễu (37 tuổi, TP Hội An), nhân viên bán hàng lưu niệm tại đây cho biết, nhiều năm qua, ngôi nhà phải hứng chịu nhiều trận lụt lớn, từ đó bị ẩm mốc. Cùng với sự bào mòn của thời gian, nhất là mối mọt tấn công mà không có biện pháp xử lý triệt để nên ngôi nhà xuống cấp nhanh.
Một ngôi nhà cổ ở Hội An bị mối, mọt tấn công gây hư hại nặng. 
“Những trận lụt lớn liên tiếp khiến ngôi nhà bị ẩm mốc là điều kiện thuận lợi cho mối mọt phát triển, âm thầm phá hoại. Nhiều vị trí trong nhà đã bị mối mọt đục ăn sâu vào bên trong nên chủ nhà phải dùng cây chống đỡ từ trong ra ngoài. Tình trạng này mà kéo dài, không có biện pháp giải quyết thì nguy cơ ngôi nhà này cũng như hàng trăm di tích khác có nguy cơ sẽ bị xóa sổ”, chị Liễu lo lắng.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã khảo sát hơn 800 di tích tại phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong và phát hiện có 265 di tích lịch sử bị mối mọt tấn công, gây hại nghiêm trọng, gây mất mỹ quan di tích, thậm chí có khả năng bị hư hỏng, phá hủy hoàn toàn nếu không có giải pháp phù hợp, xử lý triệt để. Đặc biệt có cả Chùa Cầu, biểu tượng của di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An.
Lập dự án chống mối cho toàn đô thị cổ Hội An
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mối, mọt tấn công nhiều di tích lịch sử ở phố cổ là do biến đổi khí hậu làm gia tăng lượng mưa ngày càng nhiều gây ẩm mốc đối với các di tích gỗ. Đây là điều kiện thuận lợi cho loài mối phát triển. "Mối là loại côn trùng gây hại nguy hiểm, phá hoại một cách âm thầm và mạnh mẽ, là một trong những nguy cơ gây xuống cấp nhanh, mang tính thách thức đối với di tích”, ông Ngọc nói.

Ngôi nhà cổ số 85 đường Nguyễn Thái Học xuống cấp một phần do mối, mọt phải chống đỡ từ trong ra ngoài. 

Theo ông Ngọc, phố cổ Hội An có hơn 800 di tích kiến trúc gỗ, đây như được xem là “thiên đường” của loài mối. Bên cạnh đó, Hội An vẫn còn có gần 370 di tích ngoài khu phố cổ, hầu hết có sử dụng vật liệu gỗ. Tháng 1/2021, UBND TP Hội An đã có công văn thống nhất chủ trương cho phép Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An hợp đồng với đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng mối, mọt tại các di tích ngoài khu phố cổ Hội An.
Cũng theo ông Ngọc, Trung tâm đã lập dự án “Xử lý côn trùng hại gỗ khu phố cổ Hội An” chống mối mọt cho toàn bộ đô thị cổ Hội An để trình HĐND TP Hội An trong kỳ họp sắp đến. Nếu được thông qua, dự án sẽ được thực hiện trong năm 2021 - 2022. 
“Dự án xử lý côn trùng hại gỗ khu phố cổ Hội An với tổng kinh phí khoảng 6 tỷ đồng được thông qua sẽ góp phần bảo vệ di sản văn hóa Hội An, trả lại mỹ quan cho di tích tại phố cổ”, ông Ngọc chia sẻ.
Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng phải kê giá gỗ, chống đỡ tạm thời dưới gầm cầu.
Ông Ngọc cho biết thêm, việc phòng, chống mối mọt được trung tâm triển khai thường xuyên để ngăn ngừa. Về xử lý mối mọt cho di tích, trung tâm có phối hợp với các thạc sĩ chuyên ngành chống mối, mọt của Viện sinh thái và bảo vệ công trình.
Về việc tu sửa Chùa Cầu, ông Ngọc cho hay, địa phương đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất cho lập hồ sơ đầu tư công năm 2021. Kinh phí trùng tu Chùa Cầu khoảng 20 tỷ từ nguồn ngân sách tỉnh 50% và TP Hội An 50%.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, việc trùng tu Chùa Cầu đã thống nhất từ các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh. Tuy nhiên, lộ trình dự án phụ thuộc theo quy định là địa phương trình Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh trình ra kỳ họp của HĐND về chủ trương đầu tư và bố trí nguồn.
Hiện toàn bộ các di tích ở Hội An đã được UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP Hội An trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị.