Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quảng Nam: nhà thầu “tháo chạy”, dự án phải điều chỉnh đầu tư

Kinhtedothi - Từ quy mô hơn 20 tỷ đồng, UBND huyện Thăng Bình phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Tiểu La (đoạn Tư Thiết - Bình Quý) xuống còn 7,4 tỷ đồng.

Nhà thầu “bỏ chạy”

Dự án đường Tiểu La có chiều dài 839,25m với diện tích ảnh hưởng là 1,44ha. Điểm đầu đấu nối vào đường Tiểu La với hiện trạng đã được đầu tư hoàn chỉnh, điểm cuối đấu nối vào đường Huỳnh Thúc Kháng. Năm 2020, UBND huyện Thăng Bình phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức kinh phí dự toán 19,981 tỷ đồng.

Sau 5 năm triển khai, dự án đường Tiểu La đã không thể thực hiện.

Công trình có mặt cắt ngang 14,5m, vỉa hè 2m; kết cấu bê tông nhựa dày 7cm trên nền cấp phối đá dăm; bề mặt vỉa hè lát gạch. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2023.

Theo chủ đầu tư, dự án được khởi công vào tháng 1/2022 do Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Long Á thực hiện. Nhưng trong quá trình triển khai, công trình đã vướng đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) nên gần như các hạng mục “đứng bánh”.

Thời gian thi công kéo dài nhưng không có mặt bằng sạch, giá cả nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, nhân công ngày càng tăng nên nhà thầu xin chấm dứt hợp đồng.

Trước thực trạng trên, ngày 5/11/2024, Ban Quản lý Xây dựng - Đô thị huyện Thăng Bình đã ban hành Quyết định số 191/QĐ-BQLĐT về chấm dứt hợp đồng thi công và thanh lý hợp đồng đối với Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Long Á.

Dự án trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân khu vực xung quanh.

Từ đó, tuyến đường ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Dù huyện Thăng Bình đã triển khai nhiều biện pháp sửa chữa, chất lượng mặt đường vẫn không được cải thiện.

Tình trạng "mưa ngập trắng đường, nắng bụi mù mịt" tiếp diễn suốt nhiều năm, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Giảm quy mô từ 20 tỷ đồng xuống 7,4 tỷ đồng

Liên quan đến công tác GPMB, UBND huyện Thăng Bình cho biết dự án đường Tiểu La còn 67/161 trường hợp chưa thống nhất phương án bồi thường, chiếm tỷ lệ khoảng 41%. Do đó, dự án không đủ điều kiện để thẩm định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhằm triển khai công việc tiếp theo.

Bên cạnh đó, dọc dự án theo tuyến đường Tiểu La còn có hệ thống điện chiếu sáng và ống cấp nước sạch (ống gang D315 là đường ống chính cấp nước từ nhà máy Bình Quý về Hà Lam) nên việc triển khai di dời các hạng mục này cần được đảm bảo mặt bằng.

Dự án có chiều dài chưa đầy 1km nhưng ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Chưa kể, dự án trước đây do Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Nam đảm đương thực hiện GPMB. Nhưng do gặp khó khăn nên đơn vị này đã xin rút khỏi nhiệm vụ được giao. Đến tháng 9/2024, UBND huyện Thăng Bình quyết định giao thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và công nghiệp dịch vụ huyện Thăng Bình.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Trương Công Sơn cho biết việc chậm triển khai dự án đã tác động tiêu cực đến đời sống và cảnh quan đô thị của địa phương. Tuyến đường bên cạnh có tính kết nối liên vùng, giao thương kinh tế - xã hội còn phục vụ chính cho người dân khu vực, đặc biệt các em học sinh. Vì vậy, huyện đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để tiến hành triển khai dự án sao cho phù hợp với thực trạng.

Công trình sau khi điều chỉnh sẽ sửa chữa phần nền, mặt đường Tiểu La cơ bản bám theo bề rộng nền, mặt đường hiện có (bề rộng mặt đường rộng 7,5m), nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hoá, cũng như việc đi lại của Nhân dân trong vùng. Mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 là nâng cấp và mở rộng phần mặt đường nền 7,5m (mặt đường nhựa) và 1,5m vỉa hè. Kết cấu các hạng mục chính gồm móng đường, mặt đường bê tông nhựa và công trình trên tuyến theo hiện trạng. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7,4 tỷ đồng.

Nhiều năm qua, người dân phải đi lại trên con đường thường xuyên ngập nước khi mưa, bụi mù vào những ngày nắng.

Ông Trương Công Sơn khẳng định công trình đang rất cấp thiết nên việc điều chỉnh là phù hợp nhằm sớm hoàn thiện tuyến đường, đảm bảo an toàn khi lưu thông. Chi phí GPMB cũng chủ yếu di dời hệ thống điện và nước sạch cùng vài tường rào của người dân bị ảnh hưởng.

Dự kiến đầu tháng 6, dự án sẽ cơ bản hoàn thiện các thủ tục đầu tư để thực hiện.

Quảng Nam: người dân khổ vì dự án hơn 80 tỷ đồng “đắp chiếu”

Quảng Nam: người dân khổ vì dự án hơn 80 tỷ đồng “đắp chiếu”

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đồng hành phát triển đô thị theo mô hình TOD

Đồng hành phát triển đô thị theo mô hình TOD

25 Apr, 05:37 PM

Kinhtedothi - Chiều 25/4, Ban quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội, phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm nhằm đưa ra những ý kiến, chia sẻ về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị kết hợp đầu tư phát triển đô thị TOD.

Hà Nội: công bố "đường dây nóng", đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội: công bố "đường dây nóng", đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

25 Apr, 12:47 PM

Kinhtedothi - Ngày 24/4, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) dịp lễ 30/4 - 1/5 và nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm. Hà Nội cũng công bố 3 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh thông tin liên quan đến giao thông.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ