Quảng Nam: Quất cảnh “cháy hàng”, nông dân phấn khởi đón Tết

Công Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không khí tại làng quất Cẩm Hà (TP Hội An) - thủ phủ quất cảnh nức tiếng miền Trung những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Thương lái đua nhau thu mua số lượng lớn quất đã dẫn đến tình trạng “cháy hàng”. Nông dân rất phấn khởi khi quất được mùa, bán giá cao.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các tuyến đường dẫn vào làng quất Cẩm Hà luôn tấp nập kẻ bán người mua, vận chuyển quất cảnh đi khắp các vùng miền cả nước để tiêu thụ.

Đang kiểm đếm số chậu quất để giao cho thương lái, anh Nguyễn Xuân Dũng (chủ vườn hoa Xuân Phúc) vui mừng cho biết, hơn 400 chậu quất tầm trung của gia đình đã được thương lái mua hết.

“Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây quất phát triển tốt, cho trái đều, ít hư hại như mọi khi. Tuy nhiên, vì lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp cộng với việc diện tích đất ngày càng thu hẹp, nên gia đình tôi đã chủ động cắt giảm hơn 300 cây giống để đảm bảo nhu cầu của thị trường. May thay, nhu cầu năm nay giảm không đáng kể nên những ngày này thương lái đến đặt cọc, mua số lượng lớn quất dẫn đến tình trạng “cháy hàng”, anh Dũng chia sẻ.

Nông dân phấn khởi khi quất được mùa, được giá.
Nông dân phấn khởi khi quất được mùa, được giá.

Theo anh Dũng, giá bán quất cảnh năm nay tăng khoảng 30% so với năm ngoái do nguồn cung bị thiếu hụt. Giá quất cũng tùy theo loại lớn nhỏ, dáng đẹp khác nhau. Một chậu quất tầm trung khi bán cho thương lái sẽ có giá 1 triệu đồng. Với 400 chậu, gia đình anh Dũng thu về 400 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí thì lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, các loại quất lớn, có dáng đẹp sẽ có giá cao hơn, đỉnh điểm có cây cả chục triệu đồng.

“Cứ tưởng năm nay thua lỗ vì không có thương lái đến mua, chúng tôi đã tính đến chuyện chở quất ra các trung tâm TP Hội An cũng như những vùng lân cận để bán. Nhưng thật bất ngờ, vào những ngày cuối năm, thương lái ào ạt đổ về thu mua với giá cao nên bà con ai nấy đều rất phấn khởi. Năm nay có được chút ít để cả nhà đón Tết”, anh Dũng nói.

Vườn quất của anh Nguyễn Xuân Dũng đã được thương lái mua hết.
Vườn quất của anh Nguyễn Xuân Dũng đã được thương lái mua hết.

Trong tâm trạng phấn khởi, anh Phạm Ngọc Cường (trú xã Cẩm Hà) chia sẻ, thương lái đã đến thu mua hết số chậu quất trong vườn, thoát khỏi nỗi lo thua lỗ, không tiêu thụ được. “Khác với mọi năm, năm nay vì e ngại dịch Covid-19 nên vụ quất Tết này tôi tự cắt giảm 30% số lượng, chỉ trồng khoảng 700 chậu. Dù chi phí đầu tư cây giống, phân bón, nhân công cao nhưng bù lại quất bán được giá nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Năm nay cũng kiếm được chút ít để đón Tết và đầu tư cho vụ quất sau”, anh Cường nói.

Trong khi đó, nhiều thương lái tỏ ra “hối tiếc” vì e ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đã đến đặt cọc, mua quất trễ hơn, không đủ số lượng cần thiết.

Ông Mai Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, năm nay toàn xã xuất ra thị trường khoảng 50.000 cây quất cảnh, đạt 80% so với mọi năm. Qua khảo sát, giá quất năm nay tăng 20 - 30% so với mọi năm nên người dân rất phấn khởi.

“Hiện hơn 90% số lượng chậu quất trên địa bàn xã đã được thương lái đến thu mua và vẫn chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành giáp ranh như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế và khu vực Tây Nguyên. Trước đó, người dân cũng lo ngại tình hình dịch bệnh khiến thương lái không đến thu mua, tuy nhiên tình hình hiện tại khiến các chủ vườn đều phấn khởi”, ông Hùng nói.

Quất được vận chuyển đi tiêu thụ.
Quất được vận chuyển đi tiêu thụ.

Mới đây, đễ hỗ trợ người dân kinh doanh cây cảnh, hoa Tết trong dịp cuối năm, giúp họ vượt qua khó khăn do Covid-19, TP Hội An đã quyết định miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các hộ kinh doanh. Đây được xem là hành động thiết thực nhằm động viên người dân sau những khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Được mệnh danh là thủ phủ quất cảnh nức tiếng miền Trung, quất cảnh Cẩm Hà nói riêng và quất cảnh Hội An nói chung luôn là địa chỉ hàng đầu để các thương lái tìm đến thu mua. Qua đó, người nông dân có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ người nông dân trong việc sản xuất, phát triển nghề trồng quất trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.