Quảng Nam: Thực hiện các chương trình MTQG ở 9 huyện miền núi còn chậm

Khánh Quang
Chia sẻ Zalo

Kintedothi- Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại địa bàn 9 huyện miền núi của Quảng Nam còn chậm so yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp.

Ngày 14/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam có buổi làm việc với các địa phương miền núi về tiến độ triển khai các chương trình MTQG.  

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển hỗ trợ trực tiếp để thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn 9 huyện miền núi của Quảng Nam là hơn 3.443 tỷ đồng, gồm: ngân sách trung ương 2.982 tỷ đồng đồng, ngân sách tỉnh 461,5 tỷ đồng đồng.

Dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc thực hiện các chương trình MTQG tại địa bàn 9 huyện miền núi của Quảng Nam còn chậm so yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp. Ảnh: Quang Hải
Dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc thực hiện các chương trình MTQG tại địa bàn 9 huyện miền núi của Quảng Nam còn chậm so yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp. Ảnh: Quang Hải

Như vậy, kế hoạch vốn đầu tư phát triển hỗ trợ cho 9 huyện miền núi chiếm tỷ lệ 78,2% so với tổng số vốn đầu tư phát triển kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn Quảng Nam. 

Giai đoạn 2021-2023, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG cho 9 huyện miền núi là 3.006 tỷ đồng. Riêng năm 2023, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG cho 9 huyện miền núi là 1.730 tỷ đồng đồng.

Báo cáo cũng cho biết, các chương trình đã góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam. Đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn 9 huyện miền núi là 23.278 hộ, tỷ lệ 26,64% (giảm 3.403 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 4,31% so với số hộ nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, vượt 122,5% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao (giảm 2.779 hộ nghèo).

Có 29 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 31,18%. Hiện nay có 2 xã đang chờ quyết định công nhận đang chuẩn, nâng tổng số xã nông thôn mới trên địa bàn 9 huyện miền núi Quảng Nam lên 31 xã (tỷ lệ 33,34%).

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết trong quá trình thực hiện chương trình MTQG, các địa phương miền núi gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhìn chung dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc thực hiện các chương trình MTQG tại địa bàn 9 huyện miền núi còn chậm so yêu cầu, tỷ lệ giải ngân còn rất thấp.

Cụ thể đến nay, đối với kế hoạch vốn năm 2022 được phép kéo dài mới chỉ giải ngân được 32,62% kế hoạch vốn. Nguồn vốn năm 2023 mặc dù được UBND tỉnh phân bổ sớm ngay từ đầu năm nhưng đến nay mới chỉ phân bổ được 73,1% và giải ngân 9,18% kế hoạch vốn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình MTQG. Ảnh: quangnam.gov
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình MTQG. Ảnh: quangnam.gov

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành liên quan và các địa phương miền núi đã đã nêu ra vướng mắc, khó khăn trong qua trình thực hiện và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thực hiện hiệu quả chương trình MTQG. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu các sở, ngành liên quan, các huyện miền núi từ nay đến cuối năm quyết liệt tập trung cho công tác giải ngân vốn.

Ông Cường nhấn mạnh, sẽ kiểm điểm đối với địa phương nào giải ngân chậm, không theo kịp tiến độ kế hoạch đề ra, để thu hồi vốn. Đồng thời, các địa phương cần linh hoạt trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình; tăng cường kiểm tra tồn đọng, vướng mắc; có kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng.