Ngày 19/3, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh hiện có 62 tàu cá đóng mới theo nguồn vốn vay Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gồm 11 tàu vỏ thép và 51 tàu vỏ gỗ) với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 tại tỉnh hoạt động không hiệu quả chiếm tỷ lệ đến 80%, trong số này có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.
Gần đây nhất, tàu cá vỏ thép QNg 90999 TS trị giá gần 14 tỷ đồng của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) phải mang ra đấu giá, thi hành án.
Con tàu này được hạ thủy năm 2016. Sau một năm vươn khơi, duy trì trả lãi ngân hàng đều đặn, các phiên biển tiếp sau đó, tàu của ông Võ Văn Hân liên tục gặp sự cố, hỏng hóc, hiệu quả đánh bắt thấp. Tháng 3/2018, trong một chuyến đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tàu của ông Hân gặp sự cố, toàn bộ ngư cụ trị giá hơn 3,6 tỷ đồng mất trắng.
Không có tiền đầu tư sắm lại ngư cụ, ông Hân đành cho tàu nằm bờ. Suốt 4 năm qua, tàu vỏ thép Biển Đông 1 neo tại cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) trong tình trạng rỉ sét, hư hỏng. Không có tiền trả lãi ngân hàng, nợ chồng nợ, cuối cùng chủ tàu bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Quảng Ngãi, tàu QNg 90999 TS được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn mà không có người đăng ký tham gia đấu giá (từ ngày 25/2 đến 11 giờ ngày 14/3) nên phiên đấu giá bất thành.
Theo Chi cục thủy sản Quảng Ngãi, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng lưới rê và tần suất khai thác quá lớn, giá nhiên liệu "leo thang" trong khi giá thủy sản lao dốc là những nguyên nhân khiến các chủ tàu buộc phải cho tàu được đóng theo Nghị định 67 "nằm bờ". Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là chủ tàu không thật sự có trách nhiệm trong đánh bắt, có thái độ thờ ơ, thiếu bạn tàu đi biển...
Không những thế, trong quá trình đánh bắt trên biển, một số chủ tàu để mất ngư lưới cụ với chi phí đầu tư lên tới vài tỷ đồng, không có khả năng mua sắm lại đành phải chuyển đổi nghề với hy vọng thay đổi cách sản xuất để có thu nhập và do không thành thạo nên liên tục gặp thất bại…