Lệnh cấm làm khó dân
Nhiều ngày qua, nước lũ trên dòng sông Trà Khúc dâng cao, con đường độc đạo từ đảo Ngọc- thôn An Phú (nằm giữa dòng sông Trà) vào đất liền đã bị nước phủ sâu, cắt đứt sự lưu thông ra vào đảo của người dân. Đồng thời, chính quyền ban bố lệnh cấm đò ngang, nhưng không bố trí phương tiện đã vô tình “làm khó” người dân.
Ông Nguyễn Khôi bức xúc: “Từ sau vụ lật đò cuối tuần vùa rồi, đò hoạt động trên tuyến này đã bị cấm. Trong khi đó nước sông vẫn cao, dân trên đảo “bí” đường. Học sinh, sinh viên đến công nhân hay công chức gì cũng đều phải nghỉ học, nghỉ làm. Chính quyền cấm không cho đò hoạt động mà cũng không có phương án nào để cho dân đi lại. Mấy bữa trước có đò, mỗi lần đi là 10.000 đồng, hôm nay không có đò luôn, có tiền cũng không qua sông được”.
Em Trần Thị Linh Chi – sinh viên trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay: “Dịp cuối tuần, em về thăm quê nhưng bây giờ không có đò, đường không đi được nên đành nghỉ học.”
Được biết, vì nhu cầu thiết yếu nên sau khi xảy ra lật đò, một số người dân tự thuê đò qua sông, tuy nhiên chiếc đò được thuê này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm vì không được trang bị áo phao và cũng không đáp ứng được các điều kiện khác về vận tải khách trên sông.
Trong sáng 5/11, trên tuyến sông này vắng bóng đò ngang, rất nhiều người dân không thể qua sông và vô cùng bức xúc. Hiện tại chỉ có chiếc đò chính quyền nhờ để chở thanh niên vào bờ khám nghĩa vụ quân sự đang hoạt động, một số người dân “ké” đò sang bên kia bờ.
Anh Nguyễn Tử (thôn Tăng Long, xã Tịnh Long) cho biết: “Đò này là chở cát, hơn 100CV. Hôm nay xã thuê tôi lên chở thanh niên từ An Phú vào bờ khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi chỉ chở trong hôm nay thôi, bà con nào có nhu cầu thì tôi đưa qua”.
Theo người dân trên đảo, việc đi lại của người dân gặp khó khăn vào mùa mưa không phải là mới, tuy nhiên chính quyền chưa quan tâm trong vấn đề này, do đó đời sống, sinh hoạt của người dân rất bất tiện.
Đâu là giải pháp?
Ông Võ Văn Khương - Chủ tịch UBND xã Tịnh An cho biết: “Trước giờ đường ra vào đảo là đường dân sinh, thường bị ngập sâu vào mùa mưa. Để khắc phục tình trạng này thì chỉ còn cách chờ công trình đập dâng hạ lưu sông Trà được thực hiện, lúc đó mới có đường đi đảm bảo cho bà con”.
Theo ông Khương, xã đã thông báo cấm đò nhưng vì việc qua sông là nhu cầu thiết yếu nên thời gian qua, các tuyến đò này vẫn hoạt động, người dân vẫn qua lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương yêu cầu các chủ phương tiện phải có đủ điều kiện mới được hoạt động, đồng thời phải trang bị áo phao cho hành khách.
“Địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân khi nước sông lên cao phải cho con em nghỉ học, không vượt sông, có vấn đề gì chính quyền địa phương không chịu trách nhiệm. Đồng thời kiến nghị thành phố bố trí phương tiện đủ điều kiện để phục vụ người dân”, ông Khương nói.
Theo ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, trước tình trạng này, chính quyền xã Tịnh An nên có đề xuất cụ thể để thành phố hỗ trợ, có thể là một phần kinh phí để thuê tàu, thuyền đủ điều kiện. Tuy nhiên, người dân cũng sẽ bỏ một phần kinh phí nhỏ cho mỗi lần qua sông như trước kia đi đò ngang.
“Quan điểm của thành phố là tàu, thuyền vận tải người thì cần phải được đăng ký, đăng kiểm, người lái có bằng, có trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ theo quy định. Còn để giải quyết căn cơ việc đi lại cho bà con, đúng là phải chờ dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được thực hiện”, ông Hoàng chia sẻ.
Trước đó, vào chiều 2/11, tại tuyến đò ngang ở thôn An Phú đã xảy ra sự cố lật đò, khiến 5 hành khách trên đò bị rơi xuống sông. May mắn tất cả các trường hợp đều được ứng cứu kịp thời.
Sự việc trên đã làm cho người dân trên đảo rất bất an. Ngay trong chiều tối cùng ngày, địa phương đã nhờ sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh để đưa khoảng 200 người dân ra vào bờ an toàn.