Sáng 19/10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đối thoại với đại diện bí thư chi bộ, trưởng thôn và người có uy tín ở các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Phạm Viết Nho- người có uy tín ở huyện Ba Tơ bày tỏ, lâu nay người dân rất quan tâm việc trồng cây gì, nuôi con gì mang giá trị kinh tế cao. Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng kết quả không như mong đợi.
"Hiện nay, căn cứ theo hộ nghèo tiêu chuẩn mới thì tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi rất cao, nhiều hộ thoát nghèo giai đoạn trước lại tái nghèo ở giai đoạn này. Tỉnh phải có hướng thay đổi, hỗ trợ hiệu quả hơn cho bà con trong thời gian tới"- ông Nho đề nghị.
Cũng liên quan đến phát triển kinh tế cho đồng bào miền núi, ông Đinh Như Tro- người cao tuổi huyện Sơn Hà cho rằng: “Tỉnh cần nghiên cứu phát triển sản xuất theo mô hình tổ hợp tác sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi; điều chỉnh phương thức hỗ trợ từ cây con, giống thành việc hỗ trợ tiền để bà con tự mua, có sự theo dõi giám sát của địa phương. Vì thực tế thời gian qua, việc hỗ trợ cây con giống đạt hiệu quả thấp”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, thời gian qua, việc hỗ trợ cây con giống cho các hộ gia đình là hỗ trợ trực tiếp. Đồng thời, ngành có nhận phản ánh của bà con về việc thời điểm hỗ trợ không phù hợp, cấp con giống mùa lạnh không tốt, ảnh hưởng việc chăm sóc.
“Tuy nhiên, việc hỗ trợ không thể cấp tiền trực tiếp như đề xuất của bà con. Ngành sẽ phối hợp với chính quyền để thực hiện lựa chọn, đánh giá từng thời điểm, từng địa phương để cấp cây, con giống phù hợp với năng lực, thổ nhưỡng, khí hậu, tạo điều kiện cho cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt”- ông Hồ Trọng Phương nói.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, ngành nông nghiệp cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc hỗ trợ cây con, giống cho bà con không đạt hiệu quả. “Việc hỗ trợ cây con giống phải phù hợp, đảm bảo cây trồng, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Vấn đề này không phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước hay chuyên ngành mà phải xuất phát từ thực tiễn"- bà Vân nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân cũng yêu cầu, ngành nông nghiệp và các địa phương cần phối hợp ngân hàng chính sách xã hội để có cơ chế hỗ trợ cho bà con phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo cho đồng bào miền núi, đảm bảo các nguồn lực phải đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, nội dung nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì cần có đề xuất cụ thể để điều chỉnh kịp thời.
Tại hội nghị, đại biểu các dân tộc đồng bằng thiểu số ở Quảng Ngãi còn bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng khác về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, đất đai, tái định cư… và được đại diện các sở, ngành chức năng giải đáp.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân, việc đối thoại có ý nghĩa chính trị quan trọng trong thời điểm tỉnh tập trung thực hiện các nghiệm vụ trọng tâm của nghị quyết đại hội đảng lần thứ XX, trong đó có xóa đói giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội đồng bào các dân tộc miền núi.
Dịp này, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp cùng UBMTTQ Việt Nam tỉnh vận động các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân các địa phương đang gặp khó khăn và đại biểu dự buổi đối thoại với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng.