Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Chuột hoành hành trên đồng lúa

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hàng ngàn hecta lúa Đông Xuân năm 2023 – 2024 ở Quảng Ngãi bị chuột hoành hành, cắn phá dù nông dân đã thực hiện nhiều biện pháp phòng trừ khác nhau.

Tại cánh đồng thôn Nghĩa Lập (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), nhiều ruộng lúa vụ Đông Xuân 2023- 2024 đang lên xanh tốt bị chuột cắn phá nham nhở.

Vụ này, bà Bùi Thị Thu Phượng (55 tuổi) gieo sạ 4 sào lúa nhưng cũng đành bó tay, buông xuôi sau khi thử các biện pháp diệt chuột mà không mang lại kết quả như mong muốn.

Ruộng lúa bị chuột cắn phá nham nhở.
Ruộng lúa bị chuột cắn phá nham nhở.

“Nhà làm 2 sào, thuê thêm 2 sào để kiếm lúa nhưng chuột cắn phá dữ lắm, không biết dùng cách nào cho hết. Bây giờ cũng để mặc kệ, còn được bao nhiêu ăn bấy nhiêu”, bà Phượng thở dài.

Tại cánh đồng xã Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa), phần lớn thửa ruộng đã được nông dân sử dụng nilon căng xung quanh để ngăn chuột hoành hành. Dù vậy, lúa vẫn bị chuột cắn phá mỗi ngày.

Ông Nguyễn Phỉ Thạnh (xã Nghĩa Trung) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, nhiều diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh nhưng chuột cắn phá nghiêm trọng khiến nông dân lo lắng một vụ lúa thất thu.

Theo ông Thạnh, ông và người dân xung quanh đã dùng đủ mọi cách như thả thuốc diệt chuột sinh học, cắm bao nilon dọa chuột, đặt bẫy quanh ruộng... nhưng diện tích bị chuột gây hại vẫn không ngừng tăng.

Nông dân đặt bẫy diệt chuột.
Nông dân đặt bẫy diệt chuột.

“Thả thuốc thấy chuột ăn hết mà không thấy chuột chết, lúa vẫn bị cắn phá. Đứng ngoài không thấy nhưng đi vào giữa ruộng thấy loang lổ, có nơi không còn cây nào”, ông Thạnh nói.

Vụ lúa Đông Xuân năm 2023 – 2024, tỉnh Quảng Ngãi xuống giống khoảng 38.000 hecta và phấn đấu đạt năng suất bình quân 61,7 tạ/hecta. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 1.100 hecta bị chuột cắn phá.

Theo chia sẻ của các nông dân, vụ Đông Xuân năm nay thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít xuất hiện, trong khi mật độ chuột lại tăng cao bất thường. Nguyên nhân có thể là do năm 2023 Quảng Ngãi không có lũ lớn nên chuột sinh sôi nhiều.

Dù đã sử dụng nhiều cách để diệt chuột nhưng lại không mang tính chất đồng loạt nên hiệu quả không cao. Chuột vẫn cứ cắn phá, nhất là những thửa ruộng vùng ven núi, gần đường giao thông hay gần khu dân cư.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, tổ chức diệt chuột để hạn chế đến mức thấp nhất chuột gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất của vụ lúa Đông Xuân. 

Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện tăng cường công tác quản lý và thống kê cụ thể diện tích lúa đã bị chuột cắn phá.

Hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ chuột trên ruộng lúa như: đặt bả sinh học hoặc bắt chuột bằng các biện pháp thủ công. Sau đó thu gom, chôn lấp xác chuột đúng quy định, nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ chuột lây lan cho người và động vật nuôi, đặc biệt không được dùng điện làm bẫy diệt chuột…

Cờ đuổi chuột được cắm ở các ruộng lúa.
Cờ đuổi chuột được cắm ở các ruộng lúa.

“Trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học và tuân theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì. Bà con cũng cần thường xuyên phát quang bờ bụi rậm, gò đồng nhằm làm mất nơi cư trú của chuột. Tuyệt đối không dùng điện để bẫy chuột vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi Phạm Bá nhấn mạnh.