Quảng Ngãi: Cơ hội tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ra đời của dự án góp phần kết nối Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vào mạng lưới du lịch cộng đồng ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các địa phương khác trong cả nước.

Sáng 14/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi cùng với Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), UBND huyện Bình Sơn tổ chức lễ khởi động dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn, thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Quang cảnh lễ khởi động.
Quang cảnh lễ khởi động.

Dự án được thực hiện trong 24 tháng (từ tháng 7/2022), kinh phí trên 2,5 tỷ đồng với mục tiêu lâu dài là góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn.

Mục tiêu cụ thể của dự án là nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng để tham gia có hiệu quả vào bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô (Gành Yến), rừng ngập mặn (cóc trắng Bàu Cá Cái), rừng dừa nước (Cà Ninh), văn hóa tri thức bản địa (làng gốm Mỹ Thiện); tổ chức, hình thành các điểm kết nối du lịch học tập cộng đồng và du lịch cộng đồng; nâng cao năng lực kỹ thuật và năng lực xây dựng, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương.

Gốm Mỹ Thiện.
Gốm Mỹ Thiện.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình sinh kế gắn với bảo tồn, quản lý các hệ sinh thái trong không gian biển, ven bờ, cùng với kết hợp bảo tồn, phát triển sản phẩm văn hoá tri thức bản địa: Mô hình du lịch học tập cộng đồng; mô hình du lịch cộng đồng (sinh thái, trải nghiệm); mô hình phát triển các sản phẩm OCOP (nông lâm thủy sản).

Với tư cách là người trực tiếp tham gia tư vấn cho dự án, PGS.TS Võ Văn Minh - Trưởng nhóm Nghiên cứu và Giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật, Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Đây là dự án “xúc tác” nhằm tạo động lực cho các bên liên quan để cùng hợp tác hướng đến sự phát triển hài hòa và bền vững. Các bên liên quan cùng tham gia thực hiện, đồng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Cộng đồng địa phương là bên hưởng lợi trực tiếp và cũng có trách nhiệm trực tiếp với công tác bảo vệ thiên thiên, bảo tồn văn hóa”.

Cũng theo PGS.TS Võ Văn Minh, sự ra đời của dự án này trong bối cảnh hiện nay là thực sự ý nghĩa, góp phần mở rộng sự kết nối Bình Sơn vào mạng lưới du lịch cộng đồng ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và các địa phương khác trong cả nước.

Bình Sơn là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi có hệ sinh thái đặc trưng như: Rừng cóc trắng ở Bàu Cá cái (xã Bình Thuận), rừng dừa nước ở Cà Ninh (xã Bình Phước); rạn san hô và thảm cỏ biển ở Gành Yến (xã Bình Hải) và Ba Làng An (xã Bình Châu).

Rạn san hô Gành Yến.
Rạn san hô Gành Yến.

Bình Sơn có đô thị Châu Ổ được hình thành và giao lưu văn hóa sớm. Các xã ven biển có lợi thế phát triển kinh tế biển, gắn với ngư trường rộng lớn. Bình Sơn có cảng nước sâu Dung Quất lớn nhất ở miền Trung; có ngành công nghiệp dầu khí phát triển và công nghiệp thép đang đẩy mạnh sản xuất.

Quy mô phát triển đô thị được quy hoạch đến năm 2025 có tiềm năng mở rộng và phát triển mạnh mẽ mạng lưới đô thị. Sự hài hòa giữa hai yếu tố sinh thái, xã hội và phát triển công nghiệp này sẽ là một dự án khoa học đầy tính thực tiễn độc đáo hướng tới tìm ra giải pháp cho cải thiện sinh kế và phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương.