Quảng Ngãi: Đồng hành cùng người rối nhiễu tâm trí, trẻ tự kỷ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do áp lực trong công việc, lại không được quan tâm phát hiện, can thiệp sớm nên số người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí và số trẻ em tự kỷ đang có chiều hướng gia tăng.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Năm 2022, lần đầu tiên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức dạy nghề làm chổi đót cho những người bị bệnh tâm thần. Đây được xem là một trong những cách trị liệu hiệu quả cho người bệnh. Cùng với học nghề, người bệnh còn được nhân viên công tác xã hội chăm sóc, giúp cải thiện sức khoẻ để sớm hoà nhập cộng đồng.

Lớp dạy nghề làm chổi đót  ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi.
Lớp dạy nghề làm chổi đót  ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi.

Chị Lê Thị Bảy - Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Một số đối tượng tinh thần bất ổn nhưng được hoạt động tay chân, được làm việc thì họ sẽ phát triển về mặt tinh thần sẽ thỏa mái hơn. Từ đó, chia sẻ tâm tư nguyện vọng, giúp các cán bộ ở đây nắm bắt được tâm tư đó và sẽ giúp đỡ hiệu quả hơn”.

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hoà nhập tỉnh Quảng Ngãi là nơi cung cấp các dịch vụ giáo dục hòa nhập có chất lượng cho học sinh khuyết tật dạng tâm thần, trẻ tự kỷ và rối nhiễu tâm trí. Mỗi năm, trung tâm nhận chăm sóc và nuôi dạy cho gần 100 trẻ bị khiếm thính và tự kỷ. Bình quân mỗi năm có khoảng 20 em được hỗ trợ hoà nhập cộng đồng.

Ông Trần Văn Thế - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Ngoài việc rèn luyện kỹ năng, kiến thức tại trung tâm, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục để khuyến khích phụ huynh cũng như nhà trường đón nhận các em, bổ sung kiến thức và tổ chức hoạt động dạy học ngay tại cơ sở, ngay tại gia đình cho các em”.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Lao động- Thương binh và xã hội Quảng Ngãi cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về để nâng cao kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

Một lớp học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.
Một lớp học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn.

Chị Huỳnh Thị Tuyết Mai- Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành) chia sẻ: “Lớp học này giúp cho chúng tôi bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, phương pháp để giáo dục cho trẻ tự kỷ, người tâm thần cũng như rối nhiễu tâm lý. Từ đó, chăm lo tốt hơn cho đối tượng này, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội”.

Cần sự thay đổi từ nhiều phía

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 7.800 người bị bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí. Qua khảo sát, phần lớn các gia đình có người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí đều có hoàn cảnh khó khăn. Hiện, các chương trình, chính sách dành cho những trường hợp này vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, số lượng người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng nhưng chưa được trợ giúp kịp thời.

Số lượng người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng.
Số lượng người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có chiều hướng gia tăng.

Trước thực trạng trên, Quảng Ngãi đã và đang tích cực triển khai chương trình trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025. Quảng Ngãi đặt mục tiêu trong giai đoạn này, mỗi năm có ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Ít nhất 70% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội.

“Hiện, vẫn còn nhiều trẻ tự kỷ, những người mắc các chứng trầm cảm, tâm thần không được phát hiện sớm, không coi trọng hoặc vì nhiều lý do đã bị bỏ qua dẫn tới bỏ lỡ giai đoạn vàng trong can thiệp khiến cho tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho những đối tượng này hòa nhập cộng đồng tốt hơn, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc, chữa trị cho gia đình và xã hội”- ông Nguyễn Hoàng Chi - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và Giảm nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hữu - Giảng viên Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công đoàn, cần có sự thay đổi từ nhiều phía, quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước thông qua các văn bản pháp luật để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này trong suốt cuộc đời của họ.

“Bản thân cộng đồng phải cần nhìn nhận đây là vấn đề của xã hội, giống như các vấn đề khác, chúng ta không có sự khác biệt trong quan hệ đối xử, tạo cơ hội cho họ để họ được hòa nhập theo đúng năng lực của họ. Có như vậy thì họ mới có thể hòa nhập cộng đồng một cách bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hữu nói.