Đây là nội dung chính trong kiến nghị của tỉnh Quảng Ngãi ngày 7/7 với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về việc hỗ trợ ngân sách Trung ương thực hiện chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, đối với di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, dự kiến tổng kinh phí đầu tư tôn tạo, tu bổ khoảng 350 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2023-2025.
Những hạng mục cần thực hiện như: Nâng cấp nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh thành Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, tiếp tục khai quật khảo cổ học và phục dựng các điểm khai quật khảo cổ học để bổ sung, làm rõ hơn những giá trị của di tích và nhằm phục vụ khách tham quan; đầu tư, phục dựng các điểm di tích Chămpa, Đại Việt trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích; đầu tư các tuyến đường nội bộ để phục vụ dân sinh và khách du lịch.
Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, phân bố chủ yếu ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ).
Qua các đợt khai quật, dấu vết của một nền văn hóa thời tiền sử liên tục được tìm thấy với khoảng 500 mộ chum có chứa nhiều loại đồ tùy táng phân bố dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Từ khi được Bộ VHTT&DL đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia và được Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, Quảng Ngãi đã tiến hành khai quật các điểm di tích, đầu tư Dự án bảo tồn tại chỗ điểm khai quật, bố trí 1,8ha đất để xây dựng Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh với diện tích 1.500m2 và đầu tư đường vào Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Đối với đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích Quốc gia Thành Châu Sa (xã Tịnh Châu, TP Quảng Ngãi), tổng kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện 2024-2025.
Dự kiến sẽ thực hiện các hạng mục như: Phục dựng một đoạn hào thành góc phía Tây Bắc, phục dựng tháp canh ở góc bờ thành nội, khai quật phục dựng kiến trúc nhà ở bên trong thành nội, di dời mồ mả trả lại cảnh quan vẻ đẹp của thành Châu Sa và làm đường nội bộ phục vụ dân sinh, khách tham quan.
Việc thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích cần có sự đầu tư kinh phí lớn để bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trong không gian liên kết giữa các di tích Quốc gia khác như núi Thiên Ấn và mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Khu Chứng tích Sơn Mỹ…. nhưng nguồn ngân sách của địa phương lại chưa bảo đảm cân đối, bố trí cho công tác này.
Sách "Đại Nam Nhất thống chí" và "Đại Việt Sử ký toàn thư" từng ghi nhận sự tồn tại của Thành Châu Sa với chu vi hơn 5 mẫu 5 sào. Năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông bình định thu phục Chiêm Thành đã đặt Đạo Thừa tuyên Quảng Nam (bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) lỵ sở đóng tại Thành Châu Sa.
Năm 1988, một người dân đã nhặt được Ấn Tam ty và hiện Ấn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Thành Châu Sa đã được tiếp tục nghiên cứu vào năm 1993 và được công nhận Di tích kiến trúc cấp Quốc gia năm 1994.