Quảng Ngãi: Gia tăng số ca mắc tay chân miệng chuyển nặng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do chủ quan, nhiều trẻ em mắc tay chân miệng chuyển nặng với các biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê, tỷ lệ này chiếm gần 30% tổng số trẻ nhập viện tại tỉnh Quảng Ngãi.

Chị Đỗ Thị Như Thảo (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) đưa con vào bệnh viện cấp cứu trong trạng thái co giật, sốt cao. “Thấy bé sốt nên 6 tiếng cho uống hạ sốt 1 lần. Sau đó sốt cao quá rồi co giật gia đình mới đưa vào bệnh viện cấp cứu”, chị Thảo cho biết.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.

Tại Quảng Ngãi, từ khi trẻ đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ do dịch Covid-19 đến nay, số ca mắc tay chân miệng tăng cao. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện Sản - Nhi tỉnh này tiếp nhận hơn 30 trẻ khám ngoại trú và 15 - 20 ca bệnh điều trị nội trú, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong số những ca nhập viện có gần 30% trường hợp diễn tiến nặng vì mắc tay chân miệng. Có thời điểm, bệnh viện bị quá tải. “Bệnh nhi đông, nhiều lúc 2 bé phải nằm một giường”, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) chia sẻ.

Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng có những biểu hiện như: Sốt, nổi bóng nước, hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, có một số trường hợp gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4 vì phụ huynh chủ quan hoặc lầm tưởng với các bệnh về đường hô hấp khi thời tiết thay đổi.

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Trẻ gặp biến chứng nặng không phải do bệnh lý nền kèm theo mà tùy cơ địa.

Bệnh có thể gây các biến chứng nặng như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp và khả năng tử vong rất cao. Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần cảnh giác cao, theo dõi biểu hiện lâm sàng để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị.

Bác sĩ Phạm Thành Quát - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: “Phụ huynh đừng chủ quan, khi bé có triệu chứng sốt, khó chịu, bỏ ăn thì có thể là tay chân miệng, phải đi khám để xác định. Nếu điều trị ngoại trú cần chú ý các triệu chứng dễ chuyển độ nặng hơn gồm: Trẻ sốt khó hạ, nôn ói nhiều, nhợn ói, trẻ ngủ có giật mình điển hình, giật mình chới với, yếu chi hoặc thở khò khè, có thể là thở rít hoặc thở nhanh”.

Bác sĩ Phạm Thành Quát - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.
Bác sĩ Phạm Thành Quát - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất hiện nay là cách ly trẻ mắc bệnh với trẻ lành bệnh; vệ sinh sạch sẽ, tăng cường bổ sung các loại nước trái cây, ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý điều trị hoặc chủ quan không theo dõi sát sức khỏe, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần