Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017 đã có hiệu lực thi hành 4 năm, thế nhưng ngư dân Nguyễn Thanh Dương (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) vẫn tự ý đóng mới một tàu cá vỏ composite, với chiều dài 12m, công suất 170CV.
Đáng chú ý, chiếc tàu của ông Dương dù trị giá gần 300 triệu đồng sau khi hoàn thành phải neo bờ từ đầu năm 2023 đến nay vì ban đầu ông không làm thủ tục đề nghị Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn cấp văn bản chấp thuận theo quy định, nên không được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
“Cũng vì chủ quan mà giờ có khả năng tôi mất trắng 300 triệu vì tàu không đi khai thác được”, ngư dân Dương thở dài.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thơm (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) cũng đành phủ bạt, cho tàu cá nằm bờ cả năm nay vì chưa đủ điều kiện đi khai thác. Hiện tại, tàu cá của ông dù có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá nhưng vẫn chưa có giấy đăng kiểm, chưa có giấy phép khai thác hải sản.
Một trường hợp khác ở xã Nghĩa An không thể cho tàu đi khai thác hải sản là ngư dân Phạm Hồng Thủy với nguyên nhân tự ý lắp đặt động cơ của xe ô tô cho tàu cá.
“Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng khuyến cáo phải tháo gỡ động cơ ô tô đang lắp trên tàu cá để chuyển sang động cơ chuyên dành cho tàu cá. Nhưng để làm điều này cần khoảng 500 triệu đồng, số tiền quá lớn, trong khi đó, việc làm ăn ngày một khó khăn”, ngư dân Thủy chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 716 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản). Các tàu này đều có chiều dài từ 6m trở lên, tập trung nhiều nhất tại huyện Lý Sơn với 228 tàu, thị xã Đức Phổ (186 tàu), TP Quảng Ngãi (160 tàu)...
Bên cạnh đó, còn có hàng trăm tàu cá “2 không”, dù đã có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, nhưng vướng mắc thủ tục nên không đăng kiểm, dẫn đến không được cấp giấy phép khai thác thủy sản.
“Trước mắt, chúng tôi chia các tàu cá không đủ giấy tờ ra làm 2 nhóm. Đối với nhóm đã có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, thủ tục để được đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản thì đơn giản hơn, nên ưu tiên tháo gỡ trước. Đối với nhóm chưa có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, việc tháo gỡ không thuộc thẩm quyền của tỉnh”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi Tạ Ngọc Thi cho biết.
Cũng theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, đối với các trường hợp đã có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, nhưng chưa đăng kiểm và chưa có giấy phép khai thác thủy sản, nguyên nhân chủ yếu do các chủ tàu tự ý lắp động cơ ô tô cho tàu cá, nên không đảm bảo điều kiện để được đăng kiểm. Số còn lại là do các chủ tàu chủ quan, không thực hiện thủ tục đăng kiểm, dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết.
Chi cục Thủy sản tỉnh đang phối hợp cùng các địa phương tập trung tuyên truyền ngư dân tháo động cơ ô tô để lắp lại máy thủy theo quy định. Tuy nhiên, nhiều ngư dân đang gặp khó khăn về kinh phí, nên chưa thực hiện.
Đối với các tàu cá “3 không”, đơn vị tập trung hướng dẫn cho các chủ tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản lần đầu, nhưng đã cải hoán và chưa hoàn tất thủ tục đăng ký lại tàu cá, để cùng các chủ tàu tháo gỡ vướng mắc.
Riêng những tàu cá đóng mới nhưng không có văn bản chấp thuận hoặc tàu cá mua lại nhưng không có giấy tờ mua bán, đơn vị này cho biết không thể giúp ngư dân tháo gỡ, vì các tàu cá này không chứng minh được nguồn gốc theo quy định.