Cái khó ló cái khôn
Nằm ở đầu thôn Xuân Hòa (xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), gia đình bà Nguyễn Thị Chi hiện đang nuôi 5 con bò 3B. Đây cũng là tài sản quý giá nhất, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình bà ngoài canh tác lúa, khoai mì và đậu phộng (lạc).
Cạnh bên cạnh căn nhà cấp 4 xập xệ của gia đình bà Chi là chuồng bò được xây dựng với kết cấu bê tông 2 tầng kiên cố, mái lợp bằng mái tôn xi măng, cạnh bên có một cầu thang bê tông thoai thoải dẫn lên tầng 2.
“Năm 2013 xảy ra trận lụt lớn bất ngờ, nước ngập gần đến nóc nhà, bò nuôi phải đưa đi lánh nạn trên đồi cao, trên đường đi suýt bị trôi. Sợ sẽ có lần mất bò thật nên mới quyết tâm làm chuồng như thế này, tốn hết 25 triệu đồng”- bà Chi nói.
Từ khi hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2014, khu chuồng trại 2 tầng này đã trở thành nơi lánh nạn an toàn của đàn bò nhà bà Chi. Gần đây nhất là các đợt lũ năm nay, dù nước tràn nhanh và dâng cao, thế nhưng nhờ có nhà chống lũ, cả đàn gia súc của gia đình đều bình an vô sự. Bà Chi còn cho các gia đình chưa xây được chuồng trên cao gửi nhờ gia súc, chờ lũ đi qua.
Gần 10 năm qua, chuồng tránh lũ cũng trở thành điểm tựa an toàn cho 6 con bò và đàn lợn hơn chục con của gia đình ông Nguyễn Ninh (thôn Xuân Hòa) trong những trận lũ lớn.
“Đợt lũ lịch sử năm 2013, hàng trăm hộ dân ở xã Hành Tín Đông thiệt hại nặng nề. Rất nhiều gia đình nuôi 2-3 con bò, khi lũ về trở tay không kịp nên chúng bị nước cuốn trôi, mất trắng cả trăm triệu đồng”- ông Ninh chép miệng.
Nhà của gia đình ông Ninh nằm ở gần sông, mỗi năm phải đối mặt với 3-5 đợt lũ lớn. Để bảo vệ đàn gia súc, ông Ninh không ngần ngại bỏ ra gần 40 triệu đồng để xây chuồng trại 2 tầng. Chuồng được xây bằng bê tông vững chắc với tầng 2 cao hơn 3m, rộng 15m2.
“Bình thường nuôi bò, heo, gà, vịt trong chuồng dưới mặt đất. Khi có mưa lũ mới lùa chúng lên tầng 2. Nhờ đó mà gần chục năm qua, đàn gia súc, gia cầm của gia đình đều an toàn trước những cơn lũ lớn. Ở đây nhà nào mà chăn nuôi cũng ráng xây “nhà lầu” cho gia súc hết”- ông Ninh chia sẻ.
Thích ứng linh hoạt với thiên tai
Ông Trịnh Bê – Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.200 hộ dân thì có đến 80% người dân nuôi bò (khoảng 2.000 con), hộ nào nuôi ít thì cũng 3-4 con, nhiều thì 10-12 con. Ngoài canh tác lúa, khoai mì… chăn nuôi bò được xem là nguồn kinh tế chính, mũi nhọn của người dân nơi đây.
“Nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ nuôi bò. So với các loại cây trồng khác, việc chăn nuôi bò tại địa phương cho thu nhập khá ổn định nên nhiều gia đình xem đây là nguồn kinh tế chính”- ông Bê nói thêm.
Tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là khu vực ven các con sông lớn. Hàng năm, lũ lụt luôn gây thiệt hại nặng nề về tài sản, trong đó có gia súc, gia cầm. Do đó, người dân đã nghĩ cách xây dựng chuồng trại trên cao cho gia súc, gia cầm ở. Nhiều người gọi vui là xây “nhà lầu” nuôi heo, bò.
Mô hình chuồng nuôi kiểu tầng lầu ra đời để bảo vệ tài sản được người dân ưa chuộng và không ngần ngại bỏ hàng chục triệu đồng để xây dựng. Phương pháp thích ứng linh hoạt với thiên tai này, nhân dân địa phương đã đi qua nhiều cơn lũ lớn mà nguồn sinh kế vẫn an toàn.
Huyện Nghĩa Hành là địa phương có số “nhà lầu” cho gia súc, gia cầm nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Không riêng gì thôn Xuân Hòa mà các vùng rốn lũ của huyện này ở các xã: Hành Phước, Hành Dũng, Hành Thiện... cũng làm theo.
Ông Đinh Xuân Sâm - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết, khi chưa có mô hình xây nhà cao cho trâu bò, heo gà tránh trú khi lũ về, người dân bị thiệt hại rất lớn. Chỉ riêng đợt lũ năm 2013, toàn huyện đã có hơn 1.000 con trâu bò, hơn 4.700 con heo và hàng chục ngàn gà vịt chết.
“Những năm gần đây, người dân ở nhiều xã vùng trũng thấp trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên cao nên khi lũ về giảm thiểu được thiệt hại. Đây là cách làm phù hợp và đã phát huy hiệu quả rất tốt đối với những hộ dân ở các vùng trũng thấp. Trong chủ trương chung, chúng tôi sẽ cho nhân rộng mô hình này, để các địa phương chịu ảnh hưởng bà con cũng chủ động trong việc xây “nhà lầu” tránh lũ”- ông Sâm nói thêm.