“Bảo tàng” của chàng trai Cadong
Huyện miền núi Sơn Tây cách TP Quảng Ngãi hơn 80km. Vượt qua chặng đường đồi núi quanh co, uốn lượn cùng những ruộng bậc thang xanh mơn mởn trải dọc dưới các thung lũng, mái nhà sàn thấp thoáng giữa rừng cau bạt ngàn thơ mộng để "săn" mây, phóng viên có dịp ghé thăm “bảo tàng” của chàng thanh niên Cadong Đinh Văn Siêng (35 tuổi, thôn Mang Hin, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây).
Trong gian nhà sàn rộng rãi, hàng trăm chiếc chiêng, đồ sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cadong được Siêng bố trí ngăn nắp tạo nên không gian vừa đặc biệt, vừa hoài niệm.
“Mất 2 năm dùi đục từng thớ gỗ, rồi dỡ bỏ mái nhà cũ để tạo thành tầng 2 của ngôi nhà. Tôi muốn có một nhà sàn riêng biệt để mọi người ghé đến tham quan và nghỉ ngơi” - Siêng chia sẻ.
Ngược về khoảng thời gian trước, Siêng cho hay, năm 2010 khi xuất ngũ về quê, cũng là lúc anh nhận thấy nhiều nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt gắn liền với người Cadong đang dần bị thay thế. Rổ rá, gùi từ mây, tre nay “hết thời”, nhường chỗ cho các đồ nhựa gia dụng. Đặc biệt, những bộ cồng chiêng bằng đồng vốn là linh hồn của chủ nhân vùng đất này đang bị bán đi, chỉ còn vài người già giữ lại.
“Nhiều lễ hội, phong tục dần bị quên lãng, không ít loại nhạc cụ nay chỉ còn lại trong ký ức. Tiếc nuối văn hóa dân tộc bị mai một, tôi lặn lội đi khắp nơi tìm gặp các già làng am hiểu nhạc cụ để tìm hiểu, ghi chép và làm theo. Lần đầu tiên mua 12 chiếc chiêng của một người ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây với giá 15 triệu đồng từ số tiền tích cóp được khi còn trong quân ngũ” - Siêng kể.
Thời gian sau đó, nghe ai giới thiệu chỗ nào còn đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, nhạc cụ của người Cadong, xa xôi cỡ nào, anh đều tìm đến tận nơi để mua. Hiện vật giá trị nhất trong “bảo tàng” thu nhỏ của Đinh Văn Siêng là 3 bộ chiêng 6 của đồng bào Cadong, trong đó có 1 bộ do cha anh để lại.
Ủng hộ niềm đam mê của Siêng, nhiều già làng có chiếc gùi, bộ nỏ, đàn đẹp cũng mang tặng thay vì bán. Mấy năm trở lại đây, nhiều người trẻ trong huyện đến nhà anh Siêng mượn chiêng để tham gia các lễ hội của đồng bào dân tộc thiếu số ở Quảng Ngãi.
Không rõ từ bao giờ, vào những dịp lễ, tết quan trọng của đồng bào, thanh niên địa phương lại tụ họp, cùng nhau quây quần hát những làn điệu dân ca, cùng trò chuyện bằng tiếng Cadong ở nhà của anh Siêng.
Ông Lê Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sơn Tây cho biết: “Mới đây, khi anh Siêng đưa ra ý tưởng mở quán cà phê, tạo điểm dừng chân và không gian Ca Dong, địa phương hết lòng ủng hộ. Hiện quán đã xây dựng hoàn thành, nơi đây cũng là địa điểm bán sản vật của bà con đồng bào như ớt xiêm rừng, chuối rừng, sâm cau, chè dây... nức tiếng thơm ngon do chính các bạn trẻ đứng ra thu mua”.
Cô gái “thổ cẩm”
Buổi sáng, khi ông mặt trời vừa nhô lên khỏi rặng núi trước làng, những cô gái đồng bào H’re ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) lại miệt mài ngồi dệt thổ cẩm bên khung cửi.
Phạm Thị Sung (31 tuổi, thôn Làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) cũng bận rộn hoàn thành các đơn hàng thổ cẩm. Cô hiện là chủ cửa hàng chuyên bán về thổ cẩm - nơi đầu tiên trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kinh doanh sản phẩm dệt của Làng Teng trong cộng đồng.
Nghề dệt thổ cẩm được xem là nghề “mẹ truyền con nối” của đồng bào nơi đây. Con gái H’re ngay khi còn nhỏ đã được tiếp xúc với khung dệt và học cách dệt từ bà, mẹ của mình. Từ lúc 12 tuổi, Sung đã rất thích và có thể tự dệt cho mình những tấm vải để may quần áo, đồ dùng cá nhân.
Phạm Thị Sung từng theo học tại trường Đại học Quảng Nam. Ngành học khó xin việc nên khi tốt nghiệp, Sung đành ở nhà, lập gia đình, chăm lo con cái. Nhưng nỗi trăn trở về việc sử dụng kiến thức học được để góp sức phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng cứ đau đáu khôn nguôi.
“Không thể hoang phí những năm tháng được cắp sách đến trường, tôi muốn làm việc gì đó có ích cho Làng Teng, cho niềm đam mê, sở thích của bản thân. Ý tưởng mở một cửa hàng chuyên trưng bày, giao lưu các sản phẩm văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm đã xuất phát từ đó” - Sung cho hay.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc H're ở Làng Teng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019. Giá trị văn hóa truyền thống làng nghề không chỉ giải quyết việc làm nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Cửa hàng của Sung vỏn vẹn chừng 20m2 nhưng tập hợp đầy đủ các sản phẩm truyền thống của người H’re, từ đồ thổ cẩm nam, nữ, khố, vải điệu, khăn choàng, ví, túi xách đến những sản phẩm thủ công như rổ, mùng, nia, gùi, đục nỏ, cồng chiêng.
“Để bắt đầu xây dựng cho ý tưởng này, tôi tốn mất 3 năm chuẩn bị, hoạch định, vẽ ra cho mình một ước mơ, lối đi hoàn hảo nhất. Lúc đầu làm cũng gặp thất bại vì hàng làm ra không đáp ứng tiêu chí thẩm mỹ, không bán được. Dần dần, nắm bắt nhu cầu đa dạng của thị trường và khách du lịch nên tạo ra được mẫu mã mới, mọi việc mới tiến triển theo chiều hướng tốt hơn” - Sung chia sẻ.
Các sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng ở cửa hàng đều do chính tay của Sung cùng mẹ và chị gái dệt nên. Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương và các du khách. Thời gian gần đây, nhờ biết đến bán hàng qua mạng, cô đã mở rộng kinh doanh và địa bàn tiêu thụ.
Theo ông Lê Cao Đỉnh - Phó Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’re ở thôn Làng Teng là một mô hình kinh tế có từ lâu đời, là tài sản quý giá của dân tộc, có những giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội.
“Sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của Phạm Thị Sung không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của người H’re mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đồng bào H’re địa phương. Những nỗ lực của người trẻ ở Làng Teng như chị Sung sẽ góp phần phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Ba Tơ” - ông Đỉnh bày tỏ.