70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Nhà ở xã hội cho công nhân, vấn đề còn bỏ ngỏ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Quảng Ngãi thu hút một lượng lớn công nhân đến làm việc và sinh sống tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Mặc dù vậy, nhà ở xã hội cho đối tượng này vẫn đang là “khoảng trống”, cần có sự quan tâm đúng mức.

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo thống kê, hiện KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi giải quyết hơn 70.000 lao động. Sau giờ tan ca, thường thì những người sống cách doanh nghiệp khoảng 10 - 15km đi về nhà. Những người ở xa hơn hoặc ở tỉnh khác thì chọn ở trọ trong các khu dân cư, gần chỗ làm với giá trung bình khoảng trên dưới 1 triệu đồng/tháng, cao hơn thì khoảng 2 triệu đồng/tháng hoặc hơn.

“Vào đây làm công nhân nên thuê phòng ở, phòng 2,2 triệu đồng/tháng, 4 anh em chia nhau trả tiền. Ở trọ thì dĩ nhiên không thoải mái, nhưng như ở đây còn đỡ, nhiều phòng ẩm thấp, chật chội lắm”, anh Nguyễn Thanh Hải (46 tuổi, quê Sóc Trăng, công nhân ở KCN VSIP ) cho biết.

Phòng trọ nơi anh Nguyễn Thanh Hải và 3 người khác cùng ở.
Phòng trọ nơi anh Nguyễn Thanh Hải và 3 người khác cùng ở.

Xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) có 2 khu công nghiệp là VSIP Quảng Ngãi và KCN Tịnh Phong. Đây cũng là nơi có lượng công nhân thuê trọ khá đông đúc. Xã này đang có khoảng 2.000 phòng trọ với hơn 3.500 nhân khẩu là công nhân các công ty, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Riêng tại thôn Thế Long đã có khoảng hơn 1.000 phòng trọ do người dân xây để phục vụ nhu cầu chỗ ở của công nhân. Nhiều công nhân vẫn đang tìm phòng, dự kiến số phòng cho thuê trọ sẽ tiếp tục tăng”, ông Nguyễn Thanh Lang - trưởng thôn Thế Long (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) cho hay.

Hiện tại, trừ các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà ở cho công nhân của đơn vị mình như: Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Công ty Cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí (Building)… với tổng số khoảng 1.612 căn hộ thì hầu hết công nhân ở các doanh nghiệp khác phải tự thuê nhà ở với diện tích nhỏ hẹp, điều kiện sinh hoạt và các thiết chế văn hóa chưa đảm bảo.

Khu ký túc xá Hoà Phát Dung Quất (KKT Dung Quất).
Khu ký túc xá Hoà Phát Dung Quất (KKT Dung Quất).

Theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ xây dựng 11.143 căn nhà, trong đó có 500 căn nhà ở xã hội và đến năm 2030 là 7.600 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các dự án về nhà ở xã hội cho công nhân tại Quảng Ngãi vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.

Đơn cử, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận việc giao đất 2ha ở xã Tịnh Phong cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xây nhà ở cho công nhân. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 để giúp người lao động an tâm sản xuất, tuy nhiên vì một số vướng mắc nên dự án vẫn chưa thực hiện.

"Các khu nhà ở doanh nghiệp xây dựng cho công nhân của họ thì vẫn chưa được tính là nhà ở xã hội. Việc đầu tư xây dựng các dự án xã hội cho công nhân là việc làm cần thiết vì với xu hướng hiện nay, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục thu hút thêm lượng lớn công nhân đến làm việc. Thời gian qua, việc ở trong các phòng trọ chật chội cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19", ông Phạm Thái Dương - Chủ tịch Công đoàn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho hay.

Cần có giải pháp phù hợp

Ông Nguyễn Phạm Trọng Nghĩa - Phó Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân trong các KCN, KKT để tham mưu UBND tỉnh có giải pháp phù hợp; xem xét, thu hồi các dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, không hiệu quả.

Một khu nhà trọ cho công nhân thuộc "hạng sang" ở xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh).
Một khu nhà trọ cho công nhân thuộc "hạng sang" ở xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh).

Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi các doanh nghiệp có mong muốn tham gia đầu tư ở lĩnh vực này, kể cả các thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tái tạo sức lao động cho công nhân, người lao động và phù hợp với quy hoạch tổng thể, dài hạn, bền vững của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Đồng thời, đề xuất các quy định có tính ràng buộc và cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ đầu tư quan tâm, bố trí nguồn lực để xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động.

Trong thời gian tới, về quy hoạch chung điều chỉnh, sẽ sắp xếp bố trí quy hoạch theo hướng ưu tiên quỹ đất thuận lợi để kiêu gọi đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và dự án nhà ở cho công nhân. Tổ chức đánh giá, rà soát nhu cầu về nhà ở của người lao động ở từng khu vực và căn cứ vào định hướng phát triển Khu kinh tế để xác định địa điểm, quy mô đầu tư phù hợp.

“Trước mắt, Ban sẽ phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại các cơ sở cho thuê nhà trọ trên địa bàn để cải tạo, sắp xếp bố trí cho phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19”, ông Nghĩa thông tin.

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bố trí quỹ đất khoảng 50ha để phát triển nhà ở xã hội tại các xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Thiện và Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi). Ngoài ra, trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, đầu tư phát triển đô thị đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư có quy mô diện tích lớn hơn 10ha tại các phường thuộc TP Quảng Ngãi đã bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với diện tích 22,3ha và Khu đô thị Phú Mỹ trích quỹ đất khoảng hơn 1,6ha để xây dựng nhà ở xã hội.