Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Nhiều tiềm năng để phát triển cây dược liệu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Không chỉ sở hữu nhiều loại cây dược liệu quý, sẵn có trong tự nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Ngãi còn có lợi thế về đất, khí hậu, thổ nhưỡng... để phát triển vùng chuyên canh.

Những tín hiệu quả quan

Sau gần 1 năm trồng thử nghiệm, khu vườn trồng tam thất nam của anh Đinh Văn Pay (thôn Bà He, xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đã cho củ. Với thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây tam thất nam đang mang lại cho gia đình anh hy vọng lớn để cải thiện kinh tế gia đình.

Cây tam thất nam phát triển tốt ở vùng trồng thử nghiệm.
Cây tam thất nam phát triển tốt ở vùng trồng thử nghiệm.

“Mong loại cây này sẽ giúp phát triển kinh tế ổn định, trang trải cuộc sống gia đình. Người dân cũng muốn trên cấp cây giống dược liệu này để cùng làm”, anh Pay chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở Sơn Tây đã đưa vào trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu như nghệ, gừng gió, sâm đương quý, sâm bảy lá, địa liền, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Tinh, Sơn Long, Sơn Liên. Hầu hết, các vườn cây dược liệu phát triển tốt. Một số cây như gừng gió, địa liền đã bắt đầu cho thu hoạch.

Tại huyện Trà Bồng, quế là cây dược liệu được người dân trồng theo hướng chuyên canh với diện tích hơn 5.000ha. Quế Trà Bồng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Cùng với đó, 17 sản phẩm từ quế Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Cây cát cánh sinh trưởng tốt ở vùng trồng thử nghiệm.
Cây cát cánh sinh trưởng tốt ở vùng trồng thử nghiệm.

Ngoài quế, gần đây, huyện miền núi này còn triển khai thử nghiệm một số loài cây dược liệu mới ở thôn Tà Ót (xã Trà Tân) với quy mô 3.500m2 cây đương quy và 1.000m2 cây cát cánh.

Dù thời điểm xuống giống, thời tiết đang mùa nắng nóng, nhiệt độ cao và thường xuyên có mưa giông nhưng nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cây sinh trưởng và phát triển tốt; đem đến những tín hiệu vui cho vùng đất này.

Đương quy cũng có kết quả khả quan.
Đương quy cũng có kết quả khả quan.

Ở huyện Trà Bồng, những đỉnh núi nằm trong khu vực xã Trà Tân, Hương Trà, Trà Bùi, Trà Tây… có điều kiện rất phù hợp để các loại cây này sinh trưởng và phát triển tốt. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hecta cát cánh hay đương quy có thể cho thu hoạch 100 triệu đồng/vụ trong năm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy cho biết: “Sang năm chúng tôi tiếp tục duy trì và xem lại mức độ sinh trưởng mới mạnh dạn đầu tư đại trà. Cây dược liệu có giá trị kinh tế và giá trị xã hội lớn, tuy nhiên,  yếu tố thị trường thì cần phải có đánh giá và có hợp tác lâu dài với đơn vị thu mua để ổn định đầu ra”.

Hướng đến phát triển vùng chuyên canh

Để phát triển cây dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh.

Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu.
Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu.

Định hướng đến năm 2025, phát triển 14,5ha cây đinh lăng, nghệ, gừng, ba kích, kim tiền thảo tại huyện Mộ Đức; 15ha ba kích, sa nhân tại huyện Ba Tơ; hơn 46ha ba kích, đinh lăng tại huyện Sơn Hà; 3.600ha quế tại huyện Trà Bồng...

Qua đó, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Mới đây nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chọn dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Trà Bồng thuộc tiểu dự án 02, tiểu dự án 2, tiểu dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021- 2025 làm điểm để được hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

Theo đó, nhu cầu vốn để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021- 2025 gần 60 tỷ đồng. Tổng diện tích quy hoạch thực hiện dự án hơn 2.300ha thuộc các xã Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Trà Thanh, Hương Trà (huyện Trà Bồng).

Có 15 chủng loại dược liệu quý có giá trị phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa bàn huyện được trồng như: quế, sâm Việt Nam, sâm cau, gừng gió, đẳng sâm Việt Nam, bảy lá một hoa, tam thất, thảo quả…

Gừng gió là loại dược liệu đã được trồng thành công ở huyện Trà Bồng.
Gừng gió là loại dược liệu đã được trồng thành công ở huyện Trà Bồng.

Việc phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn huyện Trà Bồng được cho là phù hợp với các nội dung hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; phù hợp với định hướng hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, của huyện nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng.

Đồng thời, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển vùng dược liệu quý, phát triển nghề rừng, thay đổi phương thức sản xuất; hỗ trợ người dân vùng dự án phát triển kinh bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Đây cũng là cơ sở để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phát triển dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa bền vững; đổi mới phương thức sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung canh tác ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người dân tại địa phương.

Qua đó, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn các xã triển khai dự án nói riêng và huyện Trà Bồng nói chung.