Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi nỗ lực giảm tình trạng sinh con tại nhà

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Vì giao thông cách trở, điều kiện kinh tế khó khăn… nên không ít phụ nữ ở khu vực miền núi Quảng Ngãi phải sinh con tại nhà.

Những tai biến khó lường

Đầu tháng 10/2024, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu trường hợp sản phụ H.T.G (39 tuổi, ở xã Trà Xinh, huyện Trà Bồng) trong tình trạng khá nguy kịch.

Sản phụ H.T.G được theo dõi, điều trị ở Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.
Sản phụ H.T.G được theo dõi, điều trị ở Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi.

Sản phụ này sinh con tại nhà vào sáng 6/10, sau đó ra nhiều máu, mạch nhanh, huyết áp tụt, được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, cách TP Quảng Ngãi 90km. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán sản phụ vỡ đoạn dưới tử cung, rách cổ tử cung phức tạp, choáng mất máu nặng, phải mổ cấp cứu. Bệnh nhân được hồi sức chống choáng, cắt tử cung và truyền máu. Sau 4 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Đây chỉ là một trong số nhiều sản phụ gặp biến cố nguy hiểm khi sinh con tại nhà ở các khu vực miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Vì điều kiện giao thông khó khăn, cách trở, khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ mang thai còn rất hạn chế, nhiều chị em phụ nữ không thực hiện khám thai định kỳ.

Cũng vì lý do trên, không ít phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà, không có cán bộ chuyên môn y tế giúp đỡ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai biến sản khoa, dẫn đến tử vong mẹ, tử vong sơ sinh.

Thôn Quế (xã Trà Bùi), nơi có nhiều trường hợp sinh con tại nhà.
Thôn Quế (xã Trà Bùi), nơi có nhiều trường hợp sinh con tại nhà.

Nằm dưới chân núi Cà Đam cao hơn mặt nước biển trên 1.400m và quanh năm mây phủ, thôn Quế cách trung tâm xã Trà Bùi 23km, cách trung tâm huyện Trà Bồng khoảng 70km. Đường lên thôn Quế quanh co khúc khuỷu, thường bị cô lập vào mùa mưa do sạt lở núi. Đây cũng là nơi có nhiều trường hợp sinh con tại nhà.

Khoảng 7 năm gần đây, đường được bê tông nên đi lại dễ dàng hơn. Trước kia khu vực này toàn đường đất, mỗi lần có ca sinh khó, dân làng phải gánh ra đường lớn rồi mới có xe chở tới bệnh viện.

“Người đồng bào Cor ở thôn Quế thường lên rẫy, lên nương. Thai phụ cũng vậy, cận ngày sinh họ mới ở nhà. Bây giờ tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn phải tuyên truyền, vận động để họ thay đổi suy nghĩ, đi bệnh viện sinh đẻ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con”- anh Hồ Văn Liên, cán bộ y tế thôn, chia sẻ.

Tạo chuyển biến tích cực

Để đẩy lùi tình trạng sinh con tại nhà, từ năm 2023, xã Trà Xinh, 1 trong 13 xã của huyện Trà Bồng thuộc vùng thực hiện Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có nội dung quan trọng là hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn đã được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã tích cực triển khai.

“Hội vừa tổ chức truyền thông, tuyên truyền phụ nữ mang thai không sinh con tại nhà. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, tình trạng này vẫn còn xảy ra”- Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Xinh Hồ Thị Nga cho hay.

Phụ nữ miền núi được tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Phụ nữ miền núi được tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Theo chia sẻ của nhiều cán bộ Hội LHPN ở miền núi, ngoài lý do kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, còn có nguyên nhân chủ quan của thai phụ, lần đầu sinh dễ dàng nên các lần sau cũng không đến cơ sở y tế.

“Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi và Hội LHPN huyện Trà Bồng tổ chức chiến dịch truyền thông vận động phụ nữ mang thai không sinh con tại nhà. Qua đó, phối hợp với Trạm Y tế xã hỗ trợ 14 sản phụ hưởng chế độ theo gói hỗ trợ sinh nở an toàn. Mỗi phụ nữ mang thai, khám thai đúng định kỳ, đầy đủ, sinh đẻ tại cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ 2,6 triệu đồng đối với ca sinh thường và 2,8 triệu đồng đối với ca sinh mổ”- Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Trà Mai Thị Xinh cho biết.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Trà Bồng Hồ Thị Hồng Thủy, khi thực hiện Dự án 8 có nội dung hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn, Hội đã tích cực chỉ đạo các cơ sở, nhất là vùng dự án, tích cực truyền thông, thông tin chính sách đến chị em phụ nữ. Đồng thời, phối hợp với y tế xã rà soát đối tượng, triển khai hỗ trợ phụ nữ.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã có chuyển biến tích cực. Nếu như trước năm 2015, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ các huyện miền núi Quảng Ngãi trên 20%, thì trong 9 tháng năm 2024 chỉ còn 5%.

“Ngành y tế tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể để vận động và hỗ trợ các bà mẹ mang thai, chú trọng bà mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến sinh tại các cơ sở y tế để phòng tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra”- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Tấn Đức chia sẻ.

Đầu tư cơ sở vật chất là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thai phụ và giảm thiểu tình trạng sinh con tại nhà.
Đầu tư cơ sở vật chất là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe thai phụ và giảm thiểu tình trạng sinh con tại nhà.

Cũng theo ông Đức, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng cho cán bộ y tế trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các tuyến cơ sở.