Quảng Ngãi nỗ lực kiểm soát dịch tả lợn châu Phi
Kinhtedothi- Dịch tả lợn châu Phi không chỉ đang bùng phát nhanh tại nhiều địa phương ở Quảng Ngãi mà còn được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng trên toàn tỉnh.
Dịch xuất hiện tại nhiều địa phương
Những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại ở nhiều địa phương của Quảng Ngãi khiến người chăn nuôi rơi vào khó khăn.
Tại xã Sơn Tịnh, dịch bệnh bắt đầu bùng phát từ ngày 4/7, khi chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin về tình trạng lợn chết bất thường tại hộ bà N.T.K.Q ở thôn Bình Thọ. Mẫu xét nghiệm sau đó cho kết quả dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF).
Từ ổ dịch ban đầu, chỉ trong vài ngày, bệnh nhanh chóng lan ra nhiều thôn khác như: Hà Nhai Bắc, Thọ Lộc Bắc, Hà Tây, Hà Trung, Phước Lộc Đông, Diên Niên, An Thọ, Thôn Tây, Bình Nam…

Đàn lợn của một hộ dân ở xã Sơn Tịnh bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Tính đến nay, toàn xã có 23 hộ phát hiện lợn bệnh với triệu chứng sốt, bỏ ăn, ủ rũ, xuất huyết toàn thân, mắt lờ đờ… Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy lên đến hơn 7 tấn.
Chủ tịch UBND xã Sơn Tịnh Đặng Xuân Trung cho biết: “Ngay sau khi xác định có dịch, xã đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, tiêu hủy lợn bệnh và phun thuốc khử trùng. Với các hộ chăn nuôi nhỏ, xã phối hợp cùng trưởng thôn cấp thuốc sát trùng và hướng dẫn người dân tự tiêu hủy. Đối với đàn lớn, xã thuê xe, nhân công vận chuyển đến nơi tiêu hủy tập trung, đảm bảo đúng quy định".
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, yêu cầu 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn bệnh hoặc không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Trung, công tác phòng dịch vẫn gặp không ít khó khăn bởi xã không có cán bộ, công chức có chuyên môn thú y. “Trong khi dịch lan nhanh, áp lực xử lý lớn, nên chúng tôi đã báo cáo lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin hỗ trợ vật tư và lực lượng chuyên môn xuống giúp địa phương”- Chủ tịch UBND xã Sơn Tịnh nói.

Tại nhiều địa phương khác, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Quảng Ngãi cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại tỉnh với hàng loạt ổ dịch xuất hiện dày đặc trong thời gian ngắn.
Riêng từ ngày 1 đến 10/7, Quảng Ngãi ghi nhận 83 cơ sở chăn nuôi bị ảnh hưởng, trải rộng ở 42 thôn thuộc 11 xã, phường. Tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 529 con, tương đương gần 29,5 tấn.
Cảnh báo từ ngành chuyên môn
Theo ngành chuyên môn, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng. Virus có thể tồn tại trong môi trường và vật chủ trong thời gian dài, khiến việc phòng ngừa và dập dịch rất khó khăn. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ lợn chết có thể lên tới 100%.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi.
Đặc biệt, thời tiết mưa nắng thất thường những ngày qua làm giảm sức đề kháng của đàn lợn, tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát ở Quảng Ngãi. Phần lớn các ổ dịch hiện nay đều xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến vệ sinh phòng dịch và chưa áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
Đáng lo ngại là vẫn còn tình trạng một số hộ gia đình mang lợn ốm, chết vứt ra đường, kênh, mương, sông… gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi được dự báo sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan, các địa phương tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung mọi nguồn lực để sớm khống chế và dập tắt các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Tiêu hủy gia súc mắc bệnh, chết... là một trong số nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Quang Trung yêu cầu các xã, phường, đặc khu thành lập các tổ triển khai các biện pháp chống dịch như: tổ khử trùng tiêu độc, tiêu hủy gia súc mắc bệnh, chết; tổ tiêm phòng vaccine... nhằm tránh trường hợp lây chéo dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn tại vùng dịch cũng như trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động trên phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về thú y.
Thông tin rộng rãi về tình hình dịch bệnh thuộc địa bàn quản lý để người chăn nuôi biết, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Quảng Ngãi: trang bị bốt gác cho cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ
Kinhtedothi - Các bốt gác tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc cắm chốt, phân luồng hướng dẫn giao thông và quan sát, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Không để gián đoạn tín hiệu, ngư dân Quảng Ngãi nỗ lực tuân thủ IUU
Kinhtedothi - Nhằm tránh rủi ro từ việc thiết bị giám sát hành trình mất tín hiệu, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã chủ động lắp thêm máy thứ hai, chấp nhận tăng chi phí để giữ sinh kế, bảo vệ uy tín và tuân thủ pháp luật trên biển.

Giá ươi bay cao nhất từ trước đến nay, người dân đổ xô vào rừng săn "lộc"
Kinhtedothi - Hiện giá ươi bay (tên gọi khác của quả ươi) được thương lái thu mua lên đến 420.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.