Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi quyết liệt thu ngân sách nhà nước

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việc thực hiện các giải pháp được quan tâm hàng đầu với mục tiêu thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt so với dự toán.

 Tích cực và hạn chế đan xen

6 tháng đầu năm 2024, dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 28.300 tỷ đồng, tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 15.279 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 59,8% kế hoạch năm. Còn theo báo cáo của Sở Tài chính, nếu tính gần 7 tháng đầu năm, Quảng Ngãi tổng thu được 17.145 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm ước đạt 25.197 tỷ đồng, tăng 51% so cùng kỳ năm 2023 và đạt 64,61 - 66,31% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng lại có 86 doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phá sản, ngừng hoạt động, trong khi chỉ có 64 doanh nghiệp thành lập mới. Thu hút đầu tư cũng rất hạn chế với kết quả chỉ thu hút được 2 dự án FDI; cấp chủ trương đầu tư 5 dự án trong nước.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ngãi đạt thấp. Đến nay mới giải ngân được 1.525 tỷ đồng, tương đương 22,1% kế hoạch vốn được giao. Đáng chú ý, thu tiền sử dụng đất rất hạn chế, ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách Nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bằng ngân sách tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, dự kiến tổng nguồn thu tiền sử dụng đất khả thi trong năm 2024 của Quảng Ngãi là hơn 248 tỷ đồng. Đối với dự án đấu giá quyền sử dụng đất là 12 dự án với nguồn thu khoảng 205 tỷ đồng.

Đối với dự án khu dân cư, khu đô thị từ dự án thông qua đấu thầu là 1 dự án với nguồn thu khoảng 43 tỷ đồng. So với dự toán Trung ương giao là 2.600 tỷ đồng thì năm 2024, Quảng Ngãi thu tiền sử dụng đất chỉ đạt khoảng 9,6%.

Nguyên nhân chủ yếu thu tiền sử dụng đất đạt thấp là do thị trường bất động sản thời gian qua trầm lắng. Kinh tế khó khăn nên các nhà đầu tư không quan tâm và không có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án; khó thu hút, kêu gọi khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dẫn đến việc đấu giá quyền sử dụng đất khó thành công.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện, hiện nay, các dự án đấu giá đất ở Quảng Ngãi không có nhà đầu tư tham gia, các dự án bất động sản đã đấu thầu thì các nhà đầu tư chậm thực hiện.

Dự án các dự án đấu giá đất ở Quảng Ngãi không có nhà đầu tư tham gia.
Dự án các dự án đấu giá đất ở Quảng Ngãi không có nhà đầu tư tham gia.

Nguồn thu tiền sử dụng đất Trung ương giao quá cao mà kết quả thực tế không đạt theo kế hoạch, dẫn đến khó khăn trong điều hành nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. 

Tỉnh Quảng Ngãi đang xin ý kiến để phân bổ nguồn vượt thu trong năm 2023 bù vào nguồn hụt thu nhưng con số cũng không lớn, khoảng 80 tỷ đồng. Do vậy, tỉnh sẽ tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, mang tính cấp thiết; một số dự án chưa triển khai sẽ tạm dừng.

Quyết liệt thu ngân sách

Tại Kỳ họp thứ 25 HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 mới đây, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2024

Một trong những nhiệm vụ được các đại biểu quan tâm hàng đầu là thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách, chống thất thu với mục tiêu thu ngân sách Nhà nước đạt và vượt so với dự toán.

Để thực hiện điều này, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đấu giá tài sản công, các dự án khai thác quỹ đất để kịp thời huy động, đáp ứng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, chủ động tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, nhất là trường hợp đã dự kiến giảm thu tiền sử dụng đất so với dự toán và ngân sách địa phương không thể bù đắp từ các khoản tăng thu khác.

Quảng Ngãi cũng tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.