70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: “Thủ phủ” cây ăn quả thất thủ sau mưa bão

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày bão tan, ngang qua vùng đất trù phú là “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh Quảng Ngãi chỉ thấy những thân cây ngã đổ, vườn tược xơ xác, hoang tàn. Nơi ấy, mồ hôi mặn đắng của người nông dân đang tuôn cùng những giọt nước mắt xót xa.

Làm một đời, trời phá một chặp
Bà Nguyễn Thị Lạt ngồi trước hiên nhà, đôi mắt hoe đỏ nhìn ra khu vườn trước mặt. Nơi đó, ông Võ Hương (chồng bà Lạt) - đang thơ thẩn đi lại giữa những gốc cây bật gốc.
Ông Hương là một trong những người đầu tiên đưa các loại cây ăn quả về trồng trên đất thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, rồi từ đó góp phần lan rộng và phát triển mô hình, đưa Hành Nhân trở thành “thủ phủ” của vườn cây ăn quả lớn nhất huyện Nghĩa Hành, cũng là lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi.
 Bà Nguyễn Thị Lạt rơm rớm nước mắt vì vườn cây ăn quả thiệt hại quá nặng nề.
Đưa tay sờ vào một thân cây vừa được cưa thành khúc đang nằm chỏng chơ trên mặt đất, ông lão 80 tuổi rên lên như chính mình đang bị thương. "Hơn tuần nay ông ấy cứ như vậy. Cả vườn cây ăn trái nào sầu riêng, nào mận, chôm chôm... cây nào cũng gần 20 năm tuổi bị bão quật tan tành. Cây bật gốc, cây gãy ngang... Ổng không ăn nổi cơm, đêm nằm cứ trằn trọc thở dài. Nghĩ mà nẫu hết cả ruột", bà Lạt len lén đưa tay chấm nhanh giọt nước ở khóe mắt.
Không buồn sao được, cách đây hơn tuần thôi, 2 khu vườn với tổng diện tích hơn 1,5 ha trồng cây ăn trái của gia đình đang thời cho trái rộ, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập lớn, dư dả để cả gia đình mấy thế hệ đón Tết no đủ. Vậy mà bão số 9 đã cuốn đi tất cả.
Bà Nguyễn Thị Lạt bên gốc sầu riêng gần 20 năm tuổi bị bão quật ngã.
"Hơn trăm gốc sầu riêng lớn nhỏ, 30 gốc chôm chôm, rồi còn tiêu, bưởi... Nhờ chúng mà mỗi năm thu được vài trăm triệu đồng, giờ thì mất cả rồi. Đúng là làm một đời, trời phá một chặp!". Bà Lạt ngẩng đầu nhìn lên trời, tầm mắt bị tấm bạt giăng ngang để che lỗ thủng trên mái nhà vướng lại. Nó cũng là do bão gây ra. Ngoài vườn, ông Hương phủi phủi tay, rồ xe máy chạy vào xóm.
"Ổng đi qua mấy nhà khác để thăm hỏi tình hình đấy. Kệ! Để ổng đi cho thư thả bớt đầu óc. Đợi hết mùa bão rồi gầy lại từ đầu. Khu vườn này không chỉ mang lại thu nhập cho cả gia đình, mà nó còn là hơi thở, là cuộc sống của ổng. Tui đau yếu hoài nên cây trái ổng lo hết. Suốt ngày cứ ở hết gốc cây này sang gốc cây khác để chăm bón. Giờ gầy lại thì chưa chắc đời mình hưởng được, nhưng con cháu mình hưởng ", bà Lạt chậm rãi.
Tan tác vùng cây ăn trái
Không chỉ có gia đình ông Hương, còn có hàng trăm hộ gia đình khác trồng cây ăn quả ở xã Hành Nhân cũng đang lâm vào tình trạng khốn khổ vì cả vườn cây bị bão số 9 tàn phá.
 Cây trụ chống đỡ cùng cây sầu riêng đều bị bão bật tung gốc.
Ông Nguyễn Văn Nam (thôn Tân Lập, xã Hành Nhân) dẫn chúng tôi ra vườn. Đập vào mắt là hàng chục gốc sầu riêng đang đậu quả bị bật gốc nằm ngổn ngang khắp nơi, lá cây tàn héo. Hàng trăm quả non vừa đậu chừng một tháng cứ thế mà khô đi, quắt lại… Ánh mắt ông Nam cũng như chùng xuống, úa màu.
“Biết là bão lớn nên cũng trồng trụ, cột dây để làm điểm tựa cho cây. Nhưng không ngờ là bão lớn quá, hơn 60 tuổi rồi giờ mới thấy luôn đó. Gió gì mà bật cả trụ lẫn cây. Giờ chỉ còn cách thuê xe múc, dọn sạch hết rồi trồng lại. Công sức bao nhiêu năm trời đổ sông đổ biển… Mà cái giống sầu riêng, trồng đâu phải cho trái liền, tận 7,8 năm chứ có ít đâu. Nhà cửa dù hư hỏng cũng vài ngày là sửa được”, ông Nam xót xa.
Dứt lời, ông Nam đi qua khu trồng bưởi. Dọc đường, bước chân liên tục va phải những quả bưởi xanh nằm lăn lóc dưới gốc cây.
“Những cây bưởi tán rộng nhưng thấp nên trụ được qua bão. Có điều quả thì bị bão vặt sạch. Trái nào cũng gần 1kg, có mấy trái lớn hơn, thấy tiếc nên lượm mang vào nhà nhưng chắc cũng không ăn được đâu”, ông lắc đầu thở dài.
Vào nhà, rót ly nước chè xanh nghi ngút khói, ông Nam đưa lên miệng nhấp ngụm nhỏ. Rồi như đã bình tâm lại, ông chép miệng tếu táo: “Là trời làm, chứ ai mà phá kiểu này thì tui đánh chết! Lúc bão vào, biết là vườn cây sẽ te tua nhưng cũng mặc kệ, cả nhà núp kỹ dưới bàn, dưới phản. Cũng may là bình an cả. Thôi thì hết mùa mưa bão này, trồng lại chứ biết làm sao?”.
Ở bên thôn Trúc Lâm, bà Tiêu Thị Nạnh cũng đang lui cui trong khu vườn chôm chôm. Vườn cây ngồn ngang như bãi chiến trường. Cây ngã đổ, cây tét thân, quả xanh bị bão quật nằm kín trên mặt đất đã chuyển màu thâm đen.
 Cả vườn chôm chôm của bà Tiêu Thị Nạnh không còn cây nào nguyên lành.
“Gần chục cây chôm chôm trĩu quả chưa kịp thu hoạch đã bị ông trời lấy hết rồi. Giờ phải tốn thêm tiền thuê người về dọn vườn. Mới tốn hết 600 ngàn mà chỉ cưa được vài cây thôi, thư thư kêu người dọn tiếp. Sau bão cũng ra thu hoạch vét được mấy giỏ, tính mang ra chợ bán nhưng rồi nghĩ lại giờ thì có ai mua. Thế là mang cho hết! Nếu không hư thì năm nào cũng thu được mấy chục triệu. Xui là năm nay trời nóng nên trái ra muộn, chứ như mọi năm là thu hoạch xong rồi đấy. Giờ chỉ mong nhà nước hỗ trợ kinh phí, cây, giống để làm lại vườn. Nguồn sống của người dân ở đây chủ yếu là từ cây ăn quả”, bà Nạnh chia sẻ

Tại Quảng Ngãi, bão số 9 đã gây thiệt hại lớn trong nhiều lĩnh vực. Riêng đối với ngành nông nghiệp, chỉ tính vùng chuyên canh cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành đã có khoảng 200 ha bị hư hại, trong đó nhiều diện tích bị hư hại hoàn toàn. Xã Hành Nhân là nơi có diện tích trồng lớn nhất trong huyện với 98ha thì có đến 70% bị thiệt hại, tổn thất ước tính hơn 80 tỷ đồng.