70 năm giải phóng Thủ đô

Quảng Ngãi: Tìm hướng bảo tồn Chà vá chân xám quý hiếm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo tồn loài Chà vá chân xám quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đang là vấn đề cấp thiết đặt ra, không chỉ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mà còn cho cả các cấp chính quyền.

Ngày 2/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ngãi phối hợp với Tổ chức FFI tại Việt Nam và Trung tâm GreenViet tổ chức hội thảo “Tham vấn giải pháp bảo tồn loài Chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ”. Hội thảo có sự tham gia của những nhà khoa học, đại diện các địa phương Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Quảng Nam.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Trong thời gian 1 ngày, các đại biểu tham gia hội thảo tập trung đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thông tin quý báu, những bài học kinh nghiệm để giúp Quảng Ngãi có giải pháp và kế hoạch bảo tồn được rừng và đa dạng sinh học của huyện Ba Tơ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng chỉ sống ngoài tự nhiên, nằm trong danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Loài này chỉ còn tồn tại ở Việt Nam, phân bố ở 6 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Phú Yên với hơn 2.000 cá thể.

Tại Quảng Ngãi, ngành chức năng đã quan sát được 10 đàn Chà vá chân xám tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ với khoảng 169 cá thể. Ước tính nếu điều tra, đánh giá đầy đủ có thể có tới 20 đàn.

Chà vá chân xám được phát hiện tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ.
Chà vá chân xám được phát hiện tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ.

Khu vực rừng phòng hộ Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học bởi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên Kon Chư Răng (tỉnh Gia Lai). Khu vực này được xem là hành lang không thể thiếu trong bảo tồn loài Chà vá chân xám nói riêng và các giá trị đa dạng sinh học nói chung.

Tuy nhiên, do chưa thành lập được khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây nên công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ba Tơ đang gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cộng đồng dân cư vùng đệm như: Săn bắn, bẫy bắt, khai thác lâm sản; các cơ chế, chính sách liên quan đến lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, việc thiếu dữ liệu về đa dạng sinh học cũng như chưa có các dự án đầu tư, hỗ trợ ngoài ngân sách Nhà nước nhằm xúc tiến hoạt động thành lập khu bảo tồn. Do đó rất khó để quản lý và bảo vệ hiệu quả quần thể Chà vá chân xám và đa dạng sinh học tại đây.

Thành lập Khu bảo tồn Khu Tây huyện Ba Tơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm.
Thành lập Khu bảo tồn Khu Tây huyện Ba Tơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm.

“Nhanh chóng thúc đẩy thành lập khu bảo tồn Khu Tây huyện Ba Tơ, để bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm, sớm xác lập ranh giới của khu bảo tồn trên bản đồ và ngoài thực địa, đóng mốc để phân định ranh giới giữa đất dành cho sản xuất và đất sử dụng vào mục đích bảo tồn để thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ và nhân dân được biết để tuân thủ” - đại diện Green Việt nêu ý kiến.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, cần hỗ trợ phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm thiên nhiên nhằm tạo sinh kế thay thế cho người dân địa phương. Đồng thời, vấn đề trọng tâm cần thực hiện để bảo vệ loài Chà vá chân xám chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn, hạn chế tối đa các hành vi xâm hại.

“Cần nâng cao trách nhiệm của 31 cộng đồng nhận khoán bảo vệ 14.000 ha rừng nhằm quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển các loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài Chà vá chân xám”-  đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ngãi, hội thảo “Tham vấn giải pháp bảo tồn loài Chà vá chân xám tại địa bàn huyện Ba Tơ” vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần trách nhiệm của các bên có liên quan đối với việc bảo tồn loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này.

“Sở sẽ tổng hợp, nghiên cứu nhằm tìm kiếm các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo tồn quần thể chà vá chân xám và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh” - ông Trung nói.