Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Tràn lan tình trạng gom đất để phân lô bán nền

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những mảnh đất vườn, trồng keo được thu mua, chuyển đổi sang đất ở rồi san nền, làm đường, lắp dựng trụ đèn chiếu sáng và “chẻ” ra thành nhiều lô để rao bán...

“Dự án” như nấm mọc sau mưa

Khu đất rộng khoảng 2.000m2 gần trường Tiểu học Nghĩa Thuận (thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa) cách trung tâm TP Quảng Ngãi chưa đầy 15 phút đi bằng xe máy, gần đây bỗng “lột xác” với đường giao thông bê tông, điện chiếu sáng để cắm cọc, phân thành hàng chục lô đất. Dù đã diễn ra nhiều giao dịch mua bán, song tại đây hiện chỉ có một ngôi nhà được xây dựng, số lô còn lại vẫn là đất trống.

Khu đất được lắp đặt điện chiếu sáng và làm đường giao thông.
Khu đất được lắp đặt điện chiếu sáng và làm đường giao thông.

“Khu đất do mấy người làm bất động sản mua, toàn là đất vườn, đất trồng keo, rồi chuyển sang đất ở. Họ mua đất đổ cho bằng phẳng, phân ra nhiều lô để bán. Thấy bán hết rồi, chủ yếu là những người mua đầu tư, mua đi bán lại, chứ chỉ có một người làm nhà thôi” - một người dân sống gần đó (xin được giấu tên) cho hay.

Cũng theo nguồn tin trên, những người chủ khu đất đã từng hỏi mua đất vườn của gia đình nhưng ông không bán. Sau đó, họ thuyết phục các hộ sống xung quanh bán đất ở gần hàng rào để mở rộng thêm đường giao thông nông thôn hiện hữu. Thời gian đầu, các lô đất có giá từ 170 - 220 triệu đồng/lô, tùy vị trí. Đến nay thì đã tăng lên, từ 300 - 400 triệu đồng/lô.

Đường vào được mở rộng (phần bên phải) từ việc mua phần diện tích ở hàng rào của các hộ dân sống lân cận.
Đường vào được mở rộng (phần bên phải) từ việc mua phần diện tích ở hàng rào của các hộ dân sống lân cận.

Cũng tại xã Nghĩa Thuận, khu đất có quy mô gần 3.000m2, được chủ sử dụng tách thành 22 lô đất liền kề với diện tích từ 100 - 130m2/lô. Các lô đất được rao bán công khai dưới tên khu dân cư Thuận Kỳ. Khu đất này cũng được đầu tư thêm 4 tuyến đường bê tông cùng điện năng lượng mặt trời.

Theo giới thiệu, chủ sở hữu khu đất trên là Công ty địa ốc Babylon có trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, là chủ đầu tư và phân phối độc quyền. Trong khi đó, theo chính quyền địa phương, hiện trên địa bàn xã Nghĩa Thuận không có dự án nào có tên khu dân cư Thuận Kỳ.

Hình ảnh về khu dân cư Thuận Kỳ được quảng bá trên internet.
Hình ảnh về khu dân cư Thuận Kỳ được quảng bá trên internet.

Tại xã Nghĩa Điền (huyện Tư Nghĩa), tình trạng gom đất nông nghiệp, đất vườn để chuyển đổi sang đất ở tại thôn Điền An cũng xảy ra nhiều.

Ông Nguyễn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền cho hay: “Việc mua bán đất là quyền tự do của người dân. Họ không đến xã để thực hiện các thủ tục nên rất khó để phát hiện, xử lý”.

Nằm giáp ranh TP Quảng Ngãi, lâu nay khu vực các xã Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền của huyện Tư Nghĩa… được xem là “thủ phủ” phân lô bán nền. Trên địa bàn các xã này xuất hiện nhiều “dự án” có quy mô siêu nhỏ, từ 5 - 10 lô, cá biệt có “dự án” lên đến hàng chục lô.

Những “dự án” này do một số doanh nghiệp, cá nhân mua gom đất trong dân có diện tích từ 500 - 2.000m2, sau đó “chẻ” ra thành nhiều lô có diện tích 100 - 130m2, với cơ cấu sử dụng đất là 100% đất ở, đổ đất san nền và lát gạch làm vỉa hè, lắp dựng trụ đèn đường chiếu sáng năng lượng mặt trời… rồi tổ chức làm “quy hoạch chi tiết”, làm giá, rao bán.

Sau khi khu vực giáp ranh TP Quảng Ngãi hết “hàng”, với cách thức tương tự, nhóm “đầu cơ” này đã dạt về những vùng xa trung tâm hơn, như một số xã của huyện Tư Nghĩa và huyện Nghĩa Hành…

Nhiều hệ lụy

Trải qua cao điểm “phân lô bán nền”, hiện nay nhiều “dự án” đang nằm trong tình trạng bỏ hoang, làm nơi chăn thả gia súc, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực tài nguyên và bất ổn xã hội.

Cỏ mọc um tùm bên trong khuôn viên khu đất đã được chuyển đổi sang đất ở để phân lô bán nền.
Cỏ mọc um tùm bên trong khuôn viên khu đất đã được chuyển đổi sang đất ở để phân lô bán nền.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc các cá nhân tự ý “gom” đất ở vùng nông thôn, đầu tư thêm hạ tầng rồi phân lô bán nền gây ra rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Người mua đất chẳng ai về ở, trong khi người dân ở địa phương có nhu cầu thật lại không thể mua đất vì giá bị “thổi cao”, chưa kể cảnh làng xóm, người thân nhốn nháo vì tranh nhau đất đai, nguy cơ mất an ninh trật tự…

Đáng lo ngại, vấn nạn “phân lô bán nền” không lập dự án đầu tư nhà ở chẳng những “băm nát" nông thôn, mà còn dẫn đến tình trạng tách thửa sai phép và biến tướng thành đất ở, phá vỡ quy hoạch phát triển của địa phương, làm quá tải hệ thống hạ tầng khu vực.

Nghiêm trọng hơn là làm cạn kiệt quỹ đất, khiến quỹ đất còn lại dành cho quy hoạch và phát triển sau này ngày càng khan hiếm, gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa phương.

Sơ đồ khu dân cư tự xưng được quảng cáo trên một trang web môi giới và đầu tư phát triển dự án bất động sản.
Sơ đồ khu dân cư tự xưng được quảng cáo trên một trang web môi giới và đầu tư phát triển dự án bất động sản.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chỉ đạo “hỏa tốc” yêu cầu UBND huyện Tư Nghĩa chủ trì, khẩn trương tổ chức kiểm tra, có biện pháp kiểm soát, xử lý để ngăn chặn tình trạng “phân lô bán nền”.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay tình trạng mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, phân lô bán nền trên địa bàn huyện Tư Nghĩa diễn ra phức tạp và có nhiều trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật, trong đó tập trung tại các xã: Nghĩa Lâm, Nghĩa Điền, Nghĩa Thắng, Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ.

Do đó, yêu cầu huyện Tư Nghĩa tăng cường công tác quản lý các giao dịch mua bán, chuyển quyền sử dụng đất, các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa không đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi kết quả thực hiện trước ngày 15/9/2022.

Theo ông Nguyễn Đăng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã thành lập đoàn để kiểm tra thực trạng trên. "Tuy nhiên, việc người dân mua bán, nâng hạng mức đất ở, tách thửa, phân lô, bán nền đều thực hiện thủ tục tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hoặc Phòng Tài nguyên thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, Phòng Giao dịch một cửa nên UBND huyện rất khó quản lý" - ông Nguyễn Đăng Vinh nói.