Hoành hành trên diện rộng
4 sào mì vừa trồng được 3 tháng của nhà bà Đinh Thị Si (thôn Gia Ri, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) mấy tuần nay đã bị khảm lá, còi cọc, quăn queo.
“Năm ngoái cũng bị bệnh này nhưng ít hơn, năm nay thì nó lan cả ruộng. Bệnh này mới quá nên cũng chưa biết cách để chữa, kiểu này thì khỏi thu hoạch luôn”, bà Si lo âu.
Tại xã Sơn Trung, thống kê mới nhất có đến 400ha mì bị nhiễm bệnh, chiếm đến gần 90% tổng diện tích mì của xã.
Theo chia sẻ của người trồng, bênh khảm lá ở cây mì làm giảm lượng bột trong củ, trong khi lượng nước nhiều hơn. Cây mì nhiễm bệnh quăn queo, khó phát triển, sản lượng giảm hẳn.
Hiện tại, huyện Sơn Hà- “vựa mì” của tỉnh Quảng Ngãi, là nơi bệnh khảm lá tấn công mạnh nhất với 2.060 ha mì nhiễm bệnh. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân gây bênh khảm lá có thể do từ vài năm trước, khi mì được giá, trong khi nguồn giống cung không đủ cầu, người dân nhập giống từ tỉnh khác về. Nguồn bệnh có thể từ giống này lây ra những giống khác đang trồng tại địa phương.
“Năm trước bệnh khảm lá đã xuất hiện, nhưng người dân vẫn tiếp tục dùng cây bệnh để làm giống mà không nhổ, tiêu hủy nên năm nay bệnh này mới tàn phá mạnh như thế”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long chia sẻ.
Thống kê mới nhất của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 2.583ha mì nhiễm virus khảm lá, phân bổ ở hầu hết các địa phương nhưng tập trung chủ yếu ở các huyện: Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh.
Qua tìm hiểu được biết, hiện tại hầu hết các giống mì đều nhiễm bệnh khảm lá. Kể cả giống mỳ đỏ (mỳ cao sản) vốn khỏe mạnh, ít bệnh nay cũng chung số phận với các giống khác.
Nhiều năm nay, mì được xem là cây trồng chính của nhiều hộ nông dân ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng trước tình trạng bệnh khảm lá tàn phá như hiện nay, vùng nguyên liệu mì của tỉnh này đang có nguy cơ xóa sổ. Đồng thời, nguồn thu nhập của nhiều nông dân cũng đang bị đe dọa bởi bệnh hại này.
Xử lý gặp nhiều khó khăn
Trước tình hình lây lan nhanh của bệnh, các huyện, TP đã triển khai các biện pháp phòng trừ, ngăn chặn bệnh lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, chưa hiệu quả, bệnh vẫn tiếp tục lây lan, chưa có dấu hiệu dừng lại.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: “Hiện nay công tác phòng chống bệnh này gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người địa phương là thời gian xuống giống quá lâu.
Đây là loại bệnh mới, người dân còn lúng túng trong công tác phòng, trừ. Nhiều người vẫn còn dùng hom giống bị bệnh để trồng vụ mới; chưa biết cách phòng trừ bọ phấn, tác nhân truyền bệnh; chưa tiêu hủy ruộng mì bị bệnh để cắt nguồn lây lan cho vụ mùa tiếp theo”.
Theo ông Long, huyện đã kiến nghị tỉnh, nơi cung cấp giống sạch, hướng dẫn xử lý, tiêu diệt mầm bệnh trong nguồn đất, giống, vật trung gian gây bệnh, hỗ trợ kinh phí để chuyển đối cây trồng trên những diện tích bị nhiễm nặng, không thể trồng lại mì được.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Thế Vĩnh thông tin: “Để hạn chế sự lây lan bệnh khảm lá, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh virus khảm lá cấp tỉnh gồm Sở NN-PTNT, UBND các huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN-PTNT các huyện, TP…
Tại các huyện, UBND các huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh virus khảm lá trên khoai mì cấp huyện, tổ chức tuyên truyền phương pháp phòng bệnh. Đồng thời, tìm nguồn giống sạch bệnh cung ứng cho nông dân niên vụ 2020 và các năm tiếp theo để ngăn chặn việc người dân sử dụng cây giống trên vùng bị bệnh".
Trước đó, vào đầu vụ, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cũng đã ban hành quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá mì. Trong đó, biện pháp xử lý, trước hết là phải nhổ bỏ cây mì trên diện tích bị nhiễm bệnh, tiến hành tiêu hủy; tổ chức trồng lại phải đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, tổ chức nhanh gọn trong tháng 3 để kịp thời vụ.
Hiện tại, Sở NN&PTNN cũng đề nghị Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tìm nguồn giống mì sạch bệnh cung ứng cho người trồng mì niên vụ 2020 và những năm tiếp theo.