Quảng Trị: Bánh tét mặt trăng – gìn giữ hồn quê

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những chiếc bánh tét hình mặt trăng khuyết có màu xanh của ruộng đồng, của ánh trăng nơi lũy tre đầu làng và ẩn chứa một triết lí sống của người dân làng Đại An Khê. Những chiếc bánh tét đặc biệt đó được truyền từ đời này sang đời khác nơi ngôi làng hơn 500 tuổi này.

Giữa cánh ruộng đồng bát ngát, ngôi làng Đại An Khê (xã  Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) yên bình bao đời nay vẫn giữ tục lệ gói những chiếc bánh Tét hình mặt trăng mà không nơi nào có. Trong cái se lạnh của những ngày cuối năm và làn sương sớm đã nghe thoang thoảng đâu đó hương vị Tết, của những nồi bánh, mùi của nếp và đồng ruộng quê hương.

Từ đầu tháng chạp, những gian bếp trong làng liên tục đỏ lửa để kịp cho ra đời những mẻ bánh xuất đi khắp mọi nơi. Nhiều cơ sở làm bánh trong làng cũng đã ngừng nhận đơn hàng từ tháng 11 âm lịch bởi khách đặt nhiều.

Ngôi làng Đại An Khê yên bình giữa cánh đồng - nơi sản sinh ra bánh tét mặt trăng nức tiếng.
Ngôi làng Đại An Khê yên bình giữa cánh đồng - nơi sản sinh ra bánh tét mặt trăng nức tiếng.

Trong cơ sở của vợ chồng ông Đào Bá Vây (làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), gia đình ông cùng những người thợ làm bánh vừa tất bật gói bánh vừa trò chuyện rôm rả ấm cúng. Từ những chất liệu đồng đất quê hương, đậu xanh, nếp, thịt lợn, lá dong và màu xanh của nếp được ngâm từ lá ngót đã làm nên những chiếc bánh tét mặt trăng nức tiếng của làng Đại An Khê.

Mỗi ngày, cơ sở cho ra lò cả tấn bánh với đủ loại, từ bánh chưng, bánh tày và đặc biệt là bánh tét mặt trăng chỉ vùng đất Đại An Khê mới có.

Cơ sở làm bánh trong làng Đại An Khê tất bật trong những ngày Tết, vực dậy nghề truyền thống của làng quê cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nơi đây.
Cơ sở làm bánh trong làng Đại An Khê tất bật trong những ngày Tết, vực dậy nghề truyền thống của làng quê cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân nơi đây.

Theo những cao niên ở Đại An Khê, bánh tét mặt trăng có từ bao đời nay, trong bất cứ ngày lễ, giỗ của gia đình hay của làng đều bắt buộc có đĩa bánh tét mặt trăng dâng lên bàn thờ. Đó như lời gửi gắm của cháu con dâng lên ông bà, tổ tiên và các bậc tiền nhân phù hộ cho gia đình, làng mạc luôn yên bình, sung túc, ấm no,

Được xem là một trong những người tiên phong vực dậy nghề truyền thống làm bánh tét mặt trăng, ông Đào Bá Vây say sưa kể về những chiếc bánh tét mặt trăng của vùng đất Đại An Khê. Bánh tét được gói theo kiểu truyền thống với nhiều lá bên ngoài, có hình trụ, khi cắt bánh có hình tròn tượng trưng cho mẹ bọc lấy con, mang mong muốn sum vầy của người Việt vào ngày Tết.

Bánh tét mặt trăng - nét riêng biệt của làng Đại An Khê.
Bánh tét mặt trăng - nét riêng biệt của làng Đại An Khê.

Thế nhưng, bánh tét mặt trăng được gói từ 2 cái rồi buộc chặt với nhau tạo hình tròn. Sau khi nấu chín, những cặp bánh được tách ra từng chiếc một, để riêng. Dọn lên dĩa những miếng bánh có hình trăng khuyết nhưng khi 2 miếng bánh được ghép lại với nhau là hình vầng trăng tròn, viên mãn.

Không chỉ tạo hình mà màu sắc của bánh tét mặt trăng cũng riêng biệt khi có màu xanh tươi như ngọc. Ngoài chất liệu những hạt nếp bóng mẩy, dẻo thơm phải chọn được lá rau ngót tươi, không quá già và không được quá non. Rau ngót được giã nát, lọc lấy nước và phải trộn ngay với nếp để giữ được màu xanh tươi trên từng chiếc bánh.

Nếp sau khi được chọn lọc ngâm với nước lấy từ cây rau ngót giã nát có màu xanh bắt mắt cũng như tạo nên hương vị riêng.
Nếp sau khi được chọn lọc ngâm với nước lấy từ cây rau ngót giã nát có màu xanh bắt mắt cũng như tạo nên hương vị riêng.

Vừa tạo hình bắt mắt, những chiếc bánh mặt trăng cũng tạo nên những hương vị riêng khi ngâm với nước rau ngót, khiến người ăn không thấy ngán. Cùng với màu xanh của lá dong, của nếp ngâm lá ngót bao quanh màu vàng của đậu, thịt, hành tạo nên chiếc bánh tét của ngôi làng có hàng trăm năm tuổi.

Những chiếc bánh tét mặt trăng vừa ra lò.
Những chiếc bánh tét mặt trăng vừa ra lò.

“Màu xanh của lá, của bánh, nhân đậu màu vàng gợi về màu xanh của đồng quê, của mảnh trăng thanh bình treo trên lũy tre đầu làng. Và còn là triết lí nhân sinh về cuộc sống của ông cha gửi gắm từ ngày xưa đến nay, cuộc đời không có ai tròn trịa cả nhưng khi ghép vào nhau, như âm dương kết hợp trở thành hình tròn viên mãn, một mái ấm gia đình bền chặt” - ông Vây chia sẻ.

Với những nét riêng của màu sắc, hương vị đã đưa bánh tét mặt trăng Đại An Khê thành thương hiệu, đặc sản của Quảng Trị và ra thị trường tiêu thụ hàng ngày khắp cả nước. Đặc biệt, từ khi ông Đào Bá Vây đã mở lại cơ sở, sản xuất bánh và kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, nhờ vậy những chiếc bánh dễ tiếp cận với khách hàng cả nước.

Bếp lửa luôn là lựa chọn để có những chiếc bánh thơm ngon, bắt mắt mà mang hương vị ấm cúng của ngày Tết.
Bếp lửa luôn là lựa chọn để có những chiếc bánh thơm ngon, bắt mắt mà mang hương vị ấm cúng của ngày Tết.

Cùng với đó, ông Vây đã hướng dẫn về những kĩ thuật làm bánh, nấu bánh cho những cơ sở sau cũng như tiếp thị. Đồng thời, đã tạo công an việc làm cho hàng chục người dân trong làng quanh năm.

Bằng chất lượng và sự đặc biệt của những chiếc bánh tét mặt trăng đã dễ dàng chinh phục những khách hàng. Không chỉ bánh tét mặt trăng, nhiều loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh tày… ngày càng được đặt nhiều hơn và bày bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong cả nước.

Hình dáng và màu sắc, hương vị của bánh tét mặt trăng không chỉ mang ý nghĩa truyền thống mà còn mang triết lí nhân sinh của dân làng Đại An Khê. (Ảnh: Đào Bá Vây).
Hình dáng và màu sắc, hương vị của bánh tét mặt trăng không chỉ mang ý nghĩa truyền thống mà còn mang triết lí nhân sinh của dân làng Đại An Khê. (Ảnh: Đào Bá Vây).

Từ những hộ riêng lẻ, đến giờ này đã hình thành Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê với quy mô 20 cơ sở. Sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê đã được chứng nhận 3 sao Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCCOP) của tỉnh Quảng Trị, góp phần hỗ trợ người dân làng Đại An Khê kinh doanh và phát triển nghề làm bánh hiệu quả hơn.

Sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Trị.
Sản phẩm bánh tét mặt trăng Đại An Khê đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Trị.

Giờ này, không chỉ ngày Tết mà mỗi ngày những đòn bánh tét mặt trăng, bánh chưng, bánh tày mang màu xanh đặc trưng của làng Đại An Khê đi khắp mọi miền, trở thành đặc sản mang thương hiệu của miền quê Quảng Trị. Ngày xuân, trong buổi sum họp ấm cúng, nhấm nháp vị thơm của nếp, bùi của đậu, màu xanh của bánh tét mặt trăng càng thẩm hiểu thêm về triết lí nhân sinh đầy ý vị của cuộc sống.