Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Trị hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung

Tiến Nhất
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển công nghiệp năng lượng đang được xem là trụ cột quan trọng để Quảng Trị có điều kiện phát huy vai trò của mình trong liên kết vùng. Đặc biệt, thông qua hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, Quảng Trị sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển các vùng phụ tải của mình để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến, gắn trên nền tảng nền nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch.

“Kinh đô” điện gió miền Tây
Quảng Trị đang có những điều kiện rất tốt để trở thành trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo của Khu vực miền Trung với những nguồn năng lượng như: Điện gió, điện mặt trời, năng lượng khí, nhiệt điện khí.
Đến nay, tỉnh đã có 13 dự án năng lượng đi vào hoạt động với công suất 276 MW. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng như: Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gilex… Cùng với đó, đã chú trọng đến mạng lưới truyền tải để đảm bảo kết nối các dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn đảm bảo dự án đầu tư được truyền bán lên lưới điện quốc gia.
Riêng về điện gió, tỉnh đã có 31 dự án được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2 MW; trong đó, 2 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất 60 MW, 25 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 987,2 MW, 4 dự án đang trình UBND tỉnh cấp chủ trương với tổng công suất 130 MW. Các dự án này đều nằm trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2 MW.
Để phát huy tiềm năng gió tại địa phương, tỉnh đã trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung 53 dự án vào quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 2.853,65 MW và chấp thuận cho 7 dự án vào triển khai khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến khoảng 1.590 MW.
Vấn đề đặt ra hiện nay là mặc dù tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thu hút đầu tư, tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần có các giải pháp mạnh để xử lý như: vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng; hạ tầng đấu nối chưa đầy đủ... Ngoài ra, một số chính sách chưa đồng bộ, còn thiếu nên chưa thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tư nhân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Tỉnh đã và đang chú trọng kêu gọi nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là đầu tư hạ tầng đấu nối các dự án năng lượng để giải tỏa hết công suất nhũng dự án đang triển khai đầu tư, nghiên cứu đầu tư trên địa bàn; hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tại các địa phương có lợi thế như điện gió, thủy điện khu vực phía Tây, điện mặt trời ở vùng ven biển của tỉnh...
Phát triển điện khí, điện mặt trời... ở phía Đông
Vùng ven biển phía Đông của Quảng Trị đang thu hút được nhiều nhà đầu tư vào làm nhiệt điện, điện khí và điện mặt trời với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; trong đó, bổ sung giai đoạn 1 quy mô công suất 1.500 MW vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027. Nguồn khí cung cấp cho dự án điện khí nói trên có tính đến khả năng khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi tỉnh Quảng Trị như Kèn Bầu, Báo Vàng…
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng có quy mô gần 120ha, nằm trên địa phận huyện Hải Lăng, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD. Dự án có công suất giai đoạn 1 là 1.200 - 1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028.
Trước đó, để thực hiện dự án này, tổ hợp nhà đầu tư bao gồm các đơn vị: Tập đoàn T&T Group, Công ty KOSPO, Công ty KOGAS và Công ty Hanwha đến từ Hàn Quốc đã đề xuất tỉnh Quảng Trị lập dự án khảo sát, xây dựng.
Ở phía Đông, Quảng Trị đang tập trung phát triển các dự án điện khí, điện mặt trời.
Ngoài ra, Công ty Gazprom của Nga cũng đang xúc tiến đầu tư nhà máy điện khí với công suất 340 MW ở Khu Kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị.
Tại khu vực phía Đông, Quảng Trị đã thu hút các dự án điện mặt trời với tổng công suất trên 1.500 MW; trong đó, Nhà máy điện mặt trời LIG - Quảng Trị có công suất 49,5 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Licogi 13 làm chủ đầu tư, đã hoàn thành và hòa lưới điện quốc gia.
Hiện nay Công ty Cổ phần năng lượng Gio Thành đang đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Công ty Cổ phần SECO, đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 2, có công suất và số vốn đầu tư tương tự Nhà máy điện mặt trời Gio Thành 1.
Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị đang ngày càng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng ở miền Trung trong tương lai gần.
Phó Chủ tịch Thường trực Hà Sỹ Đồng khẳng định: Với các dự án năng lượng đang được thu hút và triển khai, Quảng Trị đang trở thành “điểm tập trung” nhiều dự án quy mô lớn về năng lượng, hạ tầng, du lịch... Đây sẽ là đòn bẩy đưa tỉnh sớm đạt mục tiêu phấn đấu đến đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.